Có bao giờ bạn so sánh bản thân với những người thành công ngoài kia, và cảm thấy mình thật thất bại? Chúng ta thường loay hoay tìm kiếm vị thế và giá trị của mình bằng cách phấn đấu để nổi bật hơn người khác. Để rồi khi không đạt được như kỳ vọng, chúng ta dễ dàng cảm thấy mình yếu kém hoặc không quan trọng. Tuy nhiên, liệu đó có phải là giá trị thật sự mà Chúa đã đặt để cho mỗi chúng ta không?

Hôm nay, ngày 15/10/2024, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Jill Dube qua chủ đề BẠN QUAN TRỌNG TRONG MẮT CHÚA.

“Mắt không thể nói với tay: “Tôi không cần anh;” đầu không thể nói với chân: “Tôi không cần anh.” (1 Cô-rinh-tô 12:21)

Khi đọc những lời này của Phao-lô, tôi bất giác bật cười. Tôi chưa bao giờ bảo “không cần” đôi tay của mình, nhưng tôi đã từng bắt chúng phải “bước đi”! Khi thấy Phao-lô so sánh các ân tứ thuộc linh với các bộ phận trên cơ thể chúng ta, trí tưởng tượng của tôi lập tức đưa tôi trở về với những kỷ niệm vui vẻ. Tôi và bạn bè thường xuyên bước đi qua hành lang trường học… bằng tay—một kỹ năng mà chúng tôi đã luyện tập miệt mài trên đường phố, vỉa hè và ngay cả trong siêu thị. Thật là một trải nghiệm thú vị!

Chắc chắn, khi đã trưởng thành, tôi không còn “bước đi” bằng tay nữa. Tuy nhiên, việc mở gói hàng bằng răng, nhặt tất bằng chân, hay lái xe hơi bằng đầu gối chẳng phải là điều gì xa lạ với tôi. Mặc dù những cách này không phải lúc nào cũng lý tưởng, nhưng chúng thực sự hữu ích trong những tình huống khẩn cấp! Tôi hiểu rõ giới hạn của mình. Tôi sẽ không cố dùng đôi mắt để ăn bánh hay nhét tai nghe vào lỗ mũi. Và dù đã đôi lần tự hỏi liệu dạ dày có thể suy nghĩ thay cho bộ óc của mình không, tôi vẫn biết rõ rằng chẳng thể nào bắt dạ dày làm công việc của tâm trí được.

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đôi tay có thể thay thế đôi chân, hay đầu gối có thể đảm nhận vai trò tay lái. Tôi cũng chưa bao giờ so sánh mắt với miệng và cố hoán đổi vai trò của chúng. Thật khó mà tưởng tượng điều đó. Hãy thử hình dung nếu một ngày nào đó, miệng từ chối nhai và nuốt chỉ vì nó tị nạnh với đôi mắt, và quyết định rằng nó đã mệt mỏi với việc nếm thức ăn, và giờ nó chỉ muốn nhìn ngắm cảnh vật xung quanh mà thôi? Thật là không thể nào, phải không? Chúng ta biết rằng miệng không tồn tại vì lợi ích của chính bản thân nó; nó tồn tại là để phục vụ cho toàn bộ cơ thể.

Đức Chúa Trời đã tạo dựng cơ thể chúng ta như một hình ảnh minh họa sống động cho sự kết nối trong Hội Thánh: mỗi chi thể đều phụ thuộc vào nhau. Khi một chi thể bị đau, toàn bộ cơ thể đều cảm nhận và tham gia vào quá trình chữa lành. Ngược lại, khi một chi thể phát triển, tất cả các chi thể khác đều cùng chia sẻ niềm vui. (1 Cô-rinh-tô 12:25,26)

Tôi đã không nhận biết điều này ngay từ đầu. Tôi bị mắc kẹt trong sự lừa dối, khi cứ so sánh bản thân với người khác và cảm thấy mình cần phải nổi bật hơn họ. Khi cảm thấy rằng vai trò của mình không có gì quan trọng, tôi bắt đầu thu mình lại thay vì chia sẻ với mọi người. Khi Đức Chúa Trời ban cho một người ân tứ hiếu khách, nhưng họ lại từ chối để theo đuổi ân tứ điều hành, thì ai sẽ mở cửa đón tiếp những người lạ, chăm sóc và gây dựng họ? Khi một chi thể từ chối thực hiện vai trò của mình, toàn bộ cơ thể đều phải gánh chịu hậu quả.

Trong cuốn sách “Hội Thánh Của Đấng Christ”, tác giả Watchman Nee diễn giải rằng mỗi thành viên trong thân thể Đấng Christ đều có một chức năng quan trọng được Đức Chúa Trời giao phó: “Dù chức năng đó nhỏ bé đến đâu, chẳng điều gì có thể thay thế được. Ngay cả chức năng lớn nhất trong cơ thể cũng không thể thay thế chức năng nhỏ nhất, không ai có thể thay thế người khác. Bạn không thể thay thế tôi, cũng như tôi không thể thay thế bạn. Ôi, nếu ai trong chúng ta cũng nhận ra điều này, chúng ta sẽ nhảy lên vì vui sướng!”

Đức Chúa Trời đã ban cho tất cả chúng ta những ân tứ và khả năng riêng trong thân thể của Ngài, tại nơi ấy chỉ có sự hoàn thiện chứ không phải sự cạnh tranh. Đó có phải là điều đáng để “cùng vui mừng” không? Mong ước rằng chúng ta biết tin cậy nơi Chúa và chấp nhận vai trò của mình trong thân thể Đấng Christ, như Lời Chúa đã nhấn mạnh: “Anh em là thân của Đấng Christ”! Đừng bao giờ quên lẽ thật này. Quan trọng không phải là chúng ta là ai, mà là chúng ta thuộc về ai. Dù chúng ta yếu đuối hay hèn kém, hãy luôn nhớ rằng chúng ta thuộc về Đấng vĩ đại và tuyệt vời nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa kính yêu, nguyện Ngài giúp con nhận biết rằng giá trị của con được khẳng định nơi Ngài, và con nắm giữ một vai trò đặc biệt trong thân thể của Ngài. Để từ đó, con biết sống trong sự hiệp một và hỗ trợ lẫn nhau, nâng đỡ nhau và chữa lành cho nhau. Xin Chúa ban cho con sự hiểu biết sâu sắc về vị trí của mình, để con sống cuộc đời phục vụ cho sự hoàn thiện ngày càng hơn của Hội Thánh. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.

Quý thính giả thân mến, khi nhận biết Đấng mà chúng ta thuộc về, chúng ta sẽ tìm thấy giá trị thật sự trong kế hoạch vĩ đại của Đức Chúa Trời. Không phải những thành tựu hay phẩm hạnh cá nhân, chính mối liên hệ của chúng ta với Ngài mới là yếu tố quyết định giá trị thật sự của chúng ta. Khi biết mình là một chi thể thuộc thân thể Đấng Christ, chúng ta có thể sống với đức tin và sự bình an, biết rằng mình có một vị trí không thể thay thế trong kế hoạch của Ngài.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.


Nguồn: https://oneway.vn/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here