Di sản mà chúng ta để lại cho con cháu nói riêng không phải lúc nào cũng là của cải, tài sản mà quan trọng hơn hết là tấm gương sống đức tin. Nếu không cẩn thận thì tất cả những gì chúng ta để lại chỉ là sự tổn thương gieo vào trong lòng của thế hệ nối tiếp.

Hôm nay, ngày 09/03/2022, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Cheryl Crofoot Knapp qua chủ đề DI SẢN ĐỂ LẠI

“Hãy để các con trẻ đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng; vì vương quốc Đức Chúa Trời thuộc về những người giống như con trẻ ấy” (Lu-ca 18:16)

Một ngày mới bắt đầu cũng như mọi ngày, ngoại trừ việc đôi giày dường như không cánh mà bay. Dickie rùng mình khi nghĩ rằng mình sẽ lại đi học muộn và sẽ lại bị ba mẹ khiển trách. Đôi tai nhỏ bé của cậu cảm thấy khủng khiếp khi phải nghe những lời cay nghiệt về những khiếm khuyết và thất bại của cậu.

Cậu lục tung tủ quần áo thưa thớt của mình lần cuối, lấy áo khoác trên sàn và phát hiện ra một đôi giày thể thao rách nát. Dickie nhanh chóng xỏ chân vào đôi giày, rón rén bước xuống cầu thang, đi ra khỏi cửa trước và chạy nhanh về phía trường tiểu học.

Một ngày ở trường của Dickie trôi quá khá yên ổn. Vào cuối ngày, cậu tạm biệt bạn bè, đi bộ về nhà, bước lên bậc thềm và đứng sững sờ khi mở cánh cửa: “Mọi người đâu cả rồi?”

Lang thang từ phòng này sang phòng khác, cậu liên tục gọi “ba ơi, mẹ ơi” – nhưng không ai trả lời. Không có ba mẹ. Cũng không có đồ đạc gì. Ngồi trong căn nhà trống rỗng, cậu chờ đợi ba mẹ trở về. Không hiểu vì sao nhưng chuyện vô lý đó đã xảy ra – họ đã quên thông báo với cậu rằng hôm đó cả nhà sẽ chuyển đi nơi khác.

Người tên Dickie đó chính là ba của tôi. Khi kể cho tôi nghe câu chuyện này, ba nghẹn ngào và đau đớn quặn thắt. Nhưng nó giúp tôi hiểu tại sao ba thường tỏ thái độ khá gay gắt về những khiếm khuyết và thất bại của tôi. Không ai có thể cho những gì mình không có – ba chỉ có thể bắt chước những gì mà mình được dạy.

Khi các con trai tôi còn nhỏ, tôi luôn nói với chúng rằng tôi yêu chúng. Khi chúng làm những điều dại dột, tôi cũng không bao giờ nói rằng “con là kẻ ngốc”. Nhưng tôi la mắng các con rất nhiều mà không nhận ra rằng đó chính là di sản mà tôi đã truyền đi từ thời ông bà nội của mình. Tôi tức phận vì cách mình đối xử với các con. Tôi đã cố gắng cầu nguyện nhưng vẫn chưa thể nào từ bỏ được thói quen dường như bẩm sinh này.

Tôi tự hỏi mình tin Chúa nhưng tại sao mình không thể dừng việc la hét lại được? Rõ ràng là tôi đã không làm đúng theo nguyên tắc của Kinh Thánh từ ban đầu rằng “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, để khi trở về già, nó cũng không lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6). Thay vào đó, tôi lại dẫn các con mình đến chỗ cảm nhận cùng nỗi đau mà cha tôi và chính tôi đã trải qua.

Chúa Giê-xu phán: “Hãy để các con trẻ đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng; vì vương quốc Đức Chúa Trời thuộc về những người giống như con trẻ ấy” (Lu-ca 18:16).

Phải chăng tôi đã ngăn trở các con đến với Chúa qua những lời nói có phần khắc nghiệt và sự thiếu kiên nhẫn của mình? Liệu rằng các con tôi có rời xa Chúa bởi chúng cảm thấy xa cách với tôi? Liệu rằng chúng sẽ truyền lại hành vi và thái độ này cho con cái của chúng?

Khi các con trai của tôi ở độ tuổi thiếu niên, tôi tiếp tục cầu nguyện xin Chúa cho tôi có thể dừng lại những sự la mắng nặng lời và xin Chúa bảo vệ các con của tôi, đừng để chúng bị tổn thương vì những lời la mắng.

Chúa nói, “Đừng nhớ lại những việc đã qua, cũng đừng nghĩ đến chuyện thuở trước. Nầy, Ta sắp làm một việc mới! Bây giờ nó đang hiện ra mà các con không biết sao? Ấy là Ta sẽ vạch một con đường trong hoang mạc, và khiến những dòng sông chảy nơi đất khô cằn.” (Ê-sai 43:18-19)

Tôi ước gì hồi đó tôi biết rằng Chúa đã cho phép tôi có thể từ bỏ quá khứ, vượt qua những lỗi lầm của bản thân và của cha ông, để đi một con đường mới.

Khi các con tôi trưởng thành, tôi cũng không còn la mắng nữa. Nhưng câu hỏi khó nhất của tôi vẫn còn đó. Liệu tôi có đang ngăn trở con mình tìm kiếm Chúa? Liệu chúng có bị tan nát cõi lòng bởi những lời nói của tôi? Nếu tôi đứng cạnh các con mình trước gương, chúng có nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của Chúa Giê-xu trong tôi không? Di sản mà tôi để lại cho chúng chỉ là những sự giận dữ hay là một cuộc đời dẫn dắt các con đến gần Chúa hơn?

Lời Chúa trong 2 Cô-rinh-tô 3:18 cho tôi hy vọng:

“Tất cả chúng ta đều … được biến đổi trở nên giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang; vì điều nầy đến từ Chúa là Thánh Linh”.

Sống trên đời này, không một ai trong chúng ta là hoàn hảo cả. Tất cả chúng ta đều đang trong quá trình biến đổi. Không bao giờ là quá muộn để dẫn dắt các con của mình tiến sâu hơn vào di sản của đức tin.

Tôi đã xin các con tha thứ và cũng hỏi các con rằng điều mà chúng nhớ nhất khi còn nhỏ là gì. Các con trả lời rằng đó là chúng có một người cha đã sống bày tỏ đức tin của mình, luôn hiện diện và yêu thương con hết mình. May mắt thay “bị la mắng” không phải là điều chúng liệt kê trong danh sách.

Còn ba tôi thì sao? Thực ra giờ thì ông đang ở Thiên đàng – và ông vẫn luôn là người mà tôi ngưỡng mộ nhất!

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha thứ cho con vì những thái độ, lời nói làm tổn thương đến những người xung quanh mình. Xin giúp con biết sống cuộc đời làm gương cho những người đi sau mình, giúp dẫn đưa họ đến gần Ngài hơn. Con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu Christ, Amen.

Quý thính giả thân mến, bạn đang sống đức tin như thế nào trước mặt con cháu và những thế hệ đi sau bạn? Bài học hôm nay giúp bạn nhận thấy bản thân cần phải thay đổi như thế nào để trở nên cầu nối, dẫn đưa thế hệ sau đến với Chúa chứ không phải là ngăn trở?

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199
Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.

Nguồn: https://oneway.vn/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here