Nhiều người lầm tưởng rằng hạnh phúc chỉ đến khi mình được giàu có, thành công hay có một cuộc sống đầy đủ. Dĩ nhiên, những điều đó là tốt đẹp, nhưng chúng không phải là sự đảm bảo của hạnh phúc. Thực tế, những người giàu có vẫn cảm thấy trống rỗng, những người thành công nhưng không tìm được sự bình an thật. Điều này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: hạnh phúc thật sự là gì?
Hôm nay, ngày 20/03/2025, Ngày Quốc tế Hạnh phúc, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Kay Camenisch qua chủ đề HẠNH PHÚC THẬT.
“Ai trông cậy nơi Đức Giê-hô-va thật phước biết bao! “(Châm Ngôn 16:20b)
Cảm xúc của tôi lẫn lộn mỗi khi trở về nhà thăm người mẹ đã 93 tuổi của mình. Mẹ tôi mắc bệnh Alzheimer nên trong nhiều năm qua, bà đã không còn nhận ra tôi. Việc trò chuyện với mẹ ngày càng khó khăn hơn, bà không bắt chuyện mà cũng chẳng đáp lại ai. Nhiều lúc tôi nghĩ chắc mẹ cũng không nghe những gì tôi nói. Trước khi về thăm, tôi đã cầu nguyện xin Chúa cho tôi có thể khích lệ mẹ bằng một cách nào đó.
Thoạt đầu, tôi nghĩ chuyến thăm hôm đó sẽ không diễn ra đúng theo những gì tôi kỳ vọng. Khuôn mặt mẹ tôi không cảm xúc, cũng không biểu hiện phản ứng nào. Tôi nhìn chồng, ánh mắt như muốn hỏi anh rằng: “Chúng ta phải làm gì đây?”
Bất chợt, tôi bỗng nhớ đến một câu hỏi mà tôi từng được hỏi trong giờ nhóm của Hội Thánh, câu hỏi đó chỉ đơn giản là: “Bạn có hạnh phúc không?” Tôi lập tức quay sang mẹ và hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?”
Mẹ tôi có vẻ đang suy nghĩ về câu hỏi đó, nhưng phải mất một lúc lâu bà mới trả lời. Cuối cùng, bà chậm rãi nói: “Mẹ chưa từng nghĩ đến điều đó. Nhưng hạnh phúc thì cần có gì?”
Tôi đáp: “Đó là một câu hỏi hay!”, rồi tôi lại suy nghĩ: “Với một người bị Alzheimer nặng như mẹ, thì hạnh phúc có nghĩa gì?” Sau một hồi, tôi nói với mẹ: “Có lẽ hạnh phúc là sự thỏa lòng. Mẹ có thỏa lòng không?”
Chúng tôi đợi câu trả lời lâu đến nỗi tôi tự hỏi liệu mẹ có còn nhớ câu hỏi không. Đôi môi bà mấp máy như đang cố gắng tìm từ thích hợp. Tôi thì phân vân giữa việc lặp lại câu hỏi hay chuyển sang chủ đề khác.
Rồi đột nhiên, mẹ phá tan sự im lặng. Vẫn với giọng đều đều, bà nói: “Có chứ, mẹ rất thoả lòng.” Dù lời nói ấy không có nhiều cảm xúc, nhưng tôi biết mẹ hiểu mình đang nói gì.
Qua buổi gặp hôm ấy, tôi biết Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của tôi. Ngài đã cho tôi có thể trò chuyện với mẹ. Nhân cơ hội này, Ngài cũng đã phán dạy tôi qua bà. Câu hỏi của mẹ cứ văng vẳng trong tâm trí tôi: “Làm sao để được hạnh phúc?”
Chúng ta dành rất nhiều thời gian và công sức để theo đuổi hạnh phúc. Chúng ta tìm kiếm hạnh phúc qua nhiều cách khác nhau. Đối với nhiều người, hạnh phúc phải là ưu tiên hàng đầu khi đưa ra những lựa chọn trong đời. Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ tuyên bố quyền con người được mưu cầu hạnh phúc. Nhưng cũng biết bao nhiêu người phải dừng lại để tự hỏi rằng: “Làm sao để được hạnh phúc?”
Theo lẽ thường, con người thường tìm kiếm hạnh phúc trong những thứ mà xã hội đề cao như tài sản, sự thành công, danh vọng, hoặc những thú vui như giải trí, khoái lạc, ăn uống, rượu chè. Con người thường nghĩ rằng nếu có được những gì mình muốn, họ sẽ hạnh phúc. Nhưng thực ra, họ chỉ đang chạy theo những điều tạm bợ để thỏa mãn xác thịt mà thôi.
Câu hỏi của mẹ tôi rất sâu sắc, nhưng một câu hỏi hay hơn mà chúng ta có thể nghĩ đến là: “Đức Chúa Trời nói gì về điều tạo nên hạnh phúc?” Tôi đã tra xét Kinh Thánh. Những từ “hạnh phúc” trong Cựu Ước và Tân Ước thường được dịch là “phước hạnh”. Dường như hạnh phúc thật sự là việc con người được Chúa ban phước. Nói cách khác, hạnh phúc đích thực đến từ Đức Chúa Trời.
Hạnh phúc mà Kinh Thánh nói đến rất khác với với hạnh phúc mà chúng ta thường hay hình dung:
“Phước cho người được Đức Chúa Trời khiển trách!” (Gióp 5:17)
“Ai thương xót người nghèo khó thì có phước.” (Châm Ngôn 14:21)
“Phước cho người biết tuân giữ luật pháp!” (Châm Ngôn 29:18)
“Nầy, chúng ta gọi những người kiên định là có phước.” (Gia-cơ 5:11)
“Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Đấng Christ thì anh em có phước.” (1 Phi-e-rơ 4:14)
Dựa trên những câu Kinh Thánh này, chúng ta hiểu “phước hạnh” hay “hạnh phúc” không chỉ đơn thuần là sự sung túc vật chất hay thành công theo quan niệm đời này, mà là chọn sống trong đường lối Đức Chúa Trời. Đối với Gióp, ông xem sự sửa dạy của Chúa là một phước hạnh vì ông tin nơi quyền tể trị của Ngài. Còn tác giả thư Gia-cơ coi sự nhịn nhục trong thử thách là dấu hiệu của phước hạnh, vì đó là bằng chứng của một đức tin vững vàng. Với sứ đồ Phao-lô, người đã trải qua nhiều đau khổ vì Đấng Christ, thì xem sự chịu khổ là một phước hạnh, vì đó là khi ông được dự phần cùng Chúa Jêsus trong sự chịu khổ và vinh hiển Ngài.
Do đó, câu hỏi của mẹ tôi: “Hạnh phúc cần có gì?” nhắc nhở tôi rằng hạnh phúc thật sự không đến từ vật chất hay hoàn cảnh, mà từ mối quan hệ sâu sắc với Đức Chúa Trời và những gì Ngài ban cho, dù đó là thử thách.
Tôi không biết liệu chuyến thăm của tôi có mang lại phước hạnh cho mẹ hay không, nhưng tôi chắc chắn rằng mẹ đã là một phước hạnh cho tôi. Tôi vui mừng vì dù tâm trí mẹ bị ảnh hưởng bởi Alzheimer, Chúa vẫn dùng mẹ để khích lệ tâm linh tôi.
Vậy, điều gì khiến chúng ta hạnh phúc?
“Ai trông cậy nơi Đức Giê-hô-va thật phước biết bao!” (Châm Ngôn 16:20b)
Cầu nguyện: Lạy Chúa yêu dấu của con. Chúa ôi! Con cảm ơn Chúa vì Ngài nhắc nhở con về chính Ngài là nguồn của mọi phước hạnh. Xin Chúa tha thứ vì những lúc lòng con bị lôi cuốn vào thế gian, khiến con tìm kiếm sự thỏa lòng và hạnh phúc trong vật chất và những thú vui tạm bợ. Hôm nay, xin dạy con biết thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh, không dựa vào những gì con có, nhưng dựa vào chính Ngài. Nguyện Chúa là Đấng duy nhất mà con khao khát, là nơi con tìm được sự thỏa lòng và hạnh phúc vững bền. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.
Quý thính giả thân mến, hạnh phúc thật không phải là có nhiều của cải hay tiếng tăm, mà là có Chúa trong đời sống. Điều này có nghĩa là dù bạn đang trải qua những ngày bình an hay đối diện khó khăn, nếu bạn có Chúa, bạn đã có phước. Hạnh phước của Cơ Đốc nhân biểu lộ qua sự bình an trong tâm hồn, lòng tin kính, sự thỏa lòng, và niềm vui trong Ngài.
Hãy xin Chúa ban cho bạn nhiều cơ hội để chia sẻ về Chúa – nguồn của mọi phước lành – với những người xung quanh, để họ cũng có thể kinh nghiệm được hạnh phúc thật sự trong Ngài!
Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:
Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199
Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.
Nguồn: https://oneway.vn/