Sự thờ phượng không chỉ nói về những bài hát hay lời cầu nguyện, mà còn là tấm lòng hoàn toàn hướng về Đức Chúa Trời, để đáp lại tình yêu hy sinh mà Ngài dành cho chúng ta. Khi thờ phượng, không chỉ Đức Chúa Trời được vinh hiển mà về phía người thờ phượng chúng ta, tấm lòng được chữa lành, tâm linh được đổi mới, và các mối liên hệ cũng qua đó được phục hồi. Tha thứ và hiệp nhất chính là điều mà Chúa kêu gọi chúng ta thực hiện qua sự thờ phượng. Những mối liên hệ được hàn gắn giữa các con cái Chúa, là hình bóng của việc những thương tích trên thân thể Chúa Jêsus chịu thương khó vì chúng ta, cũng sẽ dần được Đức Chúa Cha chữa lành, bởi Hội Thánh chính là thân thể của Đấng Christ.
Hôm nay, ngày 19/04/2025, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Michael Cooper qua chủ đề SỰ THỜ PHƯỢNG RỊT LÀNH VẾT THƯƠNG.
“Bởi sự trừng phạt Người chịu, chúng ta được bình an. Bởi lằn roi Người mang, chúng ta được lành bệnh.” (Ê-sai 53:5)
Tôi biết rằng sự thờ phượng là điều khiến Chúa đẹp lòng. Tôi biết rằng sự thờ phượng là một thức hương ngọt ngào dâng lên Ngài. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sự thờ phượng có thể chữa lành những thương tích Ngài đã mang.
Đó là một sớm Chúa Nhật thờ phượng như bao Chúa Nhật khác, chỉ khác biệt là hôm ấy Hội Thánh tôi quy tụ đầy đủ tất cả các điểm nhóm đến cùng chung dự. Khi chúng tôi cùng nhau hát ca ngợi và cầu nguyện, tôi hình dung xem Chúa sẽ phản ứng thế nào trước sự thờ phượng của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng gương mặt Ngài sẽ tràn đầy niềm vui và sự mãn nguyện. Tôi nghĩ rằng sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa của cả hội chúng sẽ làm đẹp lòng Ngài. Tôi tin rằng Ngài trân trọng và vui mừng khi thấy chúng tôi hiệp nhất với nhau dù có nhiều khác biệt.
Nhưng khi tiếp tục suy ngẫm, tôi cảm nhận rằng niềm vui ấy dường như không chỉ đơn thuần là sự ưa thích, mà còn giống như một sự an ủi, một sự vỗ về sau những cơn đau. Trong tâm trí tôi, một hình ảnh chợt hiện lên: những vết thương, những lằn roi trên lưng Ngài dần lành lại. Khoảnh khắc đó khiến tôi suy nghĩ rằng có lẽ sự thờ phượng của chúng ta cũng phần nào xoa dịu những thương tích Ngài đã mang.
Những câu Kinh Thánh bắt đầu vang lên trong tâm trí tôi, xác nhận sự thờ phượng có thể rịt lành những vết thương của Ngài. Tôi nghĩ đến những phân đoạn trong Hê-bơ-rơ nói rằng: “Đấng vì niềm vui đặt trước mặt mình, vui chịu thập tự giá” (Hê-bơ-rơ 12:2), và rằng sự bội đạo làm Ngài đau đớn, như thể Ngài bị đóng đinh lại một lần nữa (Hê-bơ-rơ 6:6). Câu Kinh Thánh quen thuộc trong Ê-sai 53:5: “Bởi lằn roi Người mang, chúng ta được lành bệnh” được đặt ngay sau câu: “Bởi sự trừng phạt Người chịu, chúng ta được bình an.” Khi hình ảnh những vết thương của Ngài đang lành lại hiện lên trong tâm trí, tôi chợt nhận ra: sự đau đớn của Ngài mang đến sự chữa lành cho chúng ta, và sự chữa lành ấy không chỉ dành cho thân thể, mà còn chạm đến cảm xúc và các mối liên hệ của mỗi người chúng ta.
Tiếp nối chương trình là thì giờ Tiệc Thánh. Mục sư quản nhiệm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tra xét tấm lòng và đời sống mình, xem thử mình còn ôm cay đắng và chưa tha thứ cho người nào hay không. Chúng ta chung dự Tiệc Thánh để ghi nhớ ơn Ngài, đồng thời được nhắc nhở để sống một cuộc đời khoan dung, tha thứ để góp phần hàn gắn, hiệp nhất Thân Thể của Đấng Christ. Bởi thế, vết thương do những mối liên hệ đổ vỡ gây ra cũng giống như những lằn roi trên lưng Ngài.
Khi buổi nhóm tiếp tục với lễ báp-têm bằng nước, tâm trí tôi vẫn còn quanh quẩn với những vết thương của Ngài và sự thờ phượng của chúng tôi. Tôi để ý thấy một số bạn trẻ vui mừng khi được làm báp-têm, như thể đó là một nghi thức gia nhập hội thánh, chứ chưa ý thức được rằng đây là sự báp-têm vào trong sự chết, sự chôn và sự sống lại của Đấng Christ. Hành trình theo Chúa luôn đan xen giữa thập tự giá và sự phục sinh – điều mà rồi các bạn trẻ sẽ dần hiểu ra và kinh nghiệm ngày một sâu sắc hơn trên hành trình theo Chúa của mỗi người.
Khi đứng trước thập tự giá, có những người chế giễu, cũng có những người dửng dưng. Chúng ta có thể thấy rõ sự thờ ơ của những người lính canh, bởi sau khi tranh giành áo xống của Đấng Christ, “chúng ngồi đó canh giữ Ngài” (Ma-thi-ơ 27:36). Một cảnh tượng thật lạnh lùng.
Các nhà thần học dùng từ “nhân hình luận” (anthropomorphism) để chỉ cách Kinh Thánh dùng những đặc điểm của con người để mô tả Đức Chúa Trời, như “mắt của Đức Giê-hô-va” hay “cánh tay của Đức Giê-hô-va.” Những điều hiện lên trong tâm trí tôi – những vết thương của Đấng Christ được chữa lành bởi sự thờ phượng của chúng ta – cũng có thể được xem là một dạng nhân hình luận. Kinh Thánh cho biết sau khi sống lại, Ngài vẫn mang những dấu đinh trên Thân Thể mình. Điều này khiến tôi suy nghĩ: phải chăng sự vô ơn, không tha thứ, sự vô tín và tội lỗi của chúng ta có thể làm những vết thương ấy thêm nhức nhối? Và ngược lại, tinh thần ngợi khen chân thành, sốt sắng của chúng ta sẽ làm đẹp lòng Ngài, như lời hồi đáp đầy ý nghĩa cho sự thương khó mà Ngài đã chịu vì chúng ta?
Lời Chúa trong Ê-sai 53:10-11 chép rằng: “Đức Giê-hô-va vui lòng để Người bị tổn thương, và chịu đau khổ. Sau khi đã dâng mạng sống làm tế lễ chuộc tội, người sẽ thấy dòng dõi mình; Các ngày của Người sẽ dài thêm, và ý muốn của Đức Giê-hô-va nhờ tay Người được thành tựu. Nhờ sự khốn khổ của linh hồn mình, người sẽ thấy kết quả và mãn nguyện…. vì Ngài đã mang lấy tội lỗi của họ”.
Có lẽ, khi cả hội chúng cùng thờ phượng, tấm lòng của mỗi chúng ta sẽ hòa quyện vào tình yêu thương hy sinh của Ngài, mang đến niềm an ủi và niềm vui cho Ngài bằng chính những mối liên hệ được phục hồi. Và cũng giống như câu chuyện của viên cai ngục thành Phi-líp cùng cả nhà ông, sau khi tin nhận Chúa, họ đã rửa sạch những vết thương trên thân thể Ngài – phải chăng đức tin của chúng ta hôm nay cũng có thể làm điều tương tự cho Ngài?
Cầu nguyện: Lạy Chúa kính yêu, xin Chúa giúp con không chỉ thờ phượng Ngài bằng lời ca tiếng hát, mà bằng cả một đời sống đầu phục, bày tỏ tình yêu hy sinh của Ngài ra cho mọi người. Xin chữa lành những tổn thương trong lòng con, giúp con biết tha thứ cho anh chị em mình và luôn sống trong sự hiệp nhất, như Ngài đã yêu và tha thứ chúng con. Nếu lòng con còn cứng cỏi hay thờ ơ, xin Chúa tha thứ và biến đổi con. Nguyện Thánh Linh Ngài đầy dẫy trên con, để chúng con thờ phượng Ngài bằng tâm thần và lẽ thật, sống mỗi ngày vì sự thương khó và phục sinh vinh hiển của Ngài. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.
Quý thính giả thân mến, thờ phượng là sự hiệp nhất đầy yêu thương trong Thân Thể Đấng Christ, Đấng đã chịu bao thương tích để chúng ta được cứu rỗi. Khi chúng ta chọn tha thứ cho nhau và sống với tấm lòng biết ơn, thì chẳng phải chúng ta đang góp phần vào công việc mà Ngài đã hoàn tất sao? Không phải Chúa cần được chúng ta yên ủi, mà Ngài vui mừng khi thấy chúng ta đáp lại tình yêu hy sinh của Ngài. Và trong chính sự thờ phượng chân thành của chúng ta, những vết thương trong thân thể Đấng Christ – là Hội Thánh – được chữa lành, để rồi từ đó, chúng ta, những phần chi thể trong thân thể của Đấng Christ sẽ cùng nhau lớn lên một cách lành mạnh trong Chúa, sống kết quả cho Ngài như sứ mạng mà Ngài giao phó.
Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:
Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199
Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.
Nguồn: https://oneway.vn/