Là con người, thường thì ai cũng muốn được người khác biết và chú ý. Chúng ta cảm thấy thật tuyệt vời khi tên của mình được nhắc đến. Nhưng là những môn đồ của Chúa, dù ở vị trí nào, dù có được biết đến rộng rãi hay không, Chúa muốn chúng ta hãy cứ sẵn lòng để được Ngài sử dụng bất kỳ lúc nào.
Hôm nay, ngày 12/06/2022, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Andy Hollifield qua chủ đề MÔN ĐỒ KIA, MÔN ĐỒ ĐỨNG GẦN
“Lúc ấy, môn đồ kia đã đến mộ trước, cũng bước vào, thấy và tin” (Giăng 20:8)
Mọi người đều muốn đứng trước, muốn trở thành trung tâm như Phi-e-rơ, nhưng không ai muốn trở thành “môn đồ kia”. Kinh Thánh sử dụng cụm từ đó năm lần. Bốn lần trong chương 20 và lần khác trong Giăng 18:16.
Chẳng hạn, chúng ta đọc được trong Giăng 20:8 rằng, “Lúc ấy, môn đồ kia đã đến mộ trước, cũng bước vào, thấy và tin”.
Trong Giăng 19, Chúa Giê-xu nhìn thấy môn đồ mà ngài yêu mến đang đứng bên cạnh.
“Đức Chúa Jêsus thấy mẹ Ngài và môn đồ Ngài yêu thương đang đứng gần thì nói với mẹ rằng: “Thưa bà, đó là con của bà!” Rồi Ngài nói với môn đồ ấy: “Nầy là mẹ của con!” Từ giờ đó, môn đồ nầy đem bà về nhà mình. Sau đó, Đức Chúa Jêsus biết mọi việc đã hoàn tất, và để cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm thì nói: “Ta khát.” (Giăng 19:26-28).
Bạn có nhận ra điều cuối cùng mà Đức Chúa Giê-xu Christ đã làm là đảm bảo rằng mẹ của Ngài sẽ có người chăm lo hay không? Phần khiến tôi dừng lại và suy nghĩ chính là “môn đồ kia”. Nhiều người trong chúng ta hiểu đó chính là Giăng, cũng chính là môn đồ đã tựa vào ngực Chúa Giê-xu trong bữa tiệc cuối cùng của Ngài với các môn đồ.
Môn đồ được định nghĩa không chỉ là người đi theo Chúa Giê-xu mà còn là một học trò, người đón nhận và tuân theo một giáo lý. Giăng thực sự đã tuân theo các giáo lý của Đấng Christ. Không có nhiều thông tin viết về cá nhân của Giăng. Ba lần khác, chúng ta thấy Giăng được gọi là “môn đồ được Chúa yêu”. Giăng thường được thấy trong những lần đồng hành với Phi-e-rơ. Khi tất cả các môn đồ được quy tụ lại với nhau thì chắc chắn Chúa Giê-xu chính là ưu tiên hàng đầu, là đối tượng mà họ hướng về.
Nhưng trong những buổi nhóm họp như vậy, chúng ta thường thấy vai trò nổi bật của Phi-e-rơ. Nếu để ý kỹ khi đọc các câu chuyện Phúc Âm, chúng ta sẽ thấy thứ tự được liệt kê là Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng. Có khoảng 10 lần các sách Phúc Âm ghi lại bộ ba môn đồ theo thứ tự như vậy. Họ là những người chứng kiến Chúa Giê-xu trong sự kiện trên núi hóa hình. Họ có mặt tại nhà Giai-ru khi Chúa Giê-xu gọi cô bé sống lại từ cõi chết. Chúa Giê-xu đặt cho Gia-cơ và Giăng với biệt hiệu là “con trai của sấm chớp”. Mẹ của họ đã từng gây ra sự chia rẽ giữa các môn đồ khi đến với Chúa Giê-xu và xin cho 2 người con của bà, một người ngồi bên phải, một người ngồi bên trái Chúa Giê-xu khi Ngài ngự trên ngai vàng. Tất nhiên, Chúa Giê-xu đã không đáp ứng yêu của của bà. Dường như bạn không đọc được bất kỳ điều gì riêng tư về Giăng cũng như Gia-cơ. Hầu hết các trường hợp họ đều xuất hiện chung với Phi-e-rơ.
Khoảnh khắc quan trọng của cá nhân Giăng là lúc Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá và ở đó, Ngài giao phó mẹ Ngài cho Giăng chăm sóc. Đến khi về già, Chúa cũng cho ông nhìn thấy những khải tượng và viết sách Khải Huyền. Và theo các sử liệu thì ông cũng là người chết cuối cùng trong số các môn đồ.
Sau khi Chúa Giê-xu thăng thiên, chúng ta không hề thấy những khoảnh khắc nào nổi bật của Giăng. Dù tên mình không bao giờ được nhắc đến trước tiên nhưng ông cũng không hề bận tâm. Ông chỉ lặng lẽ làm công việc của mình vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Có lẽ điều ấn tượng nhất về Giăng là ông luôn đứng gần, luôn ở bên cạnh.
“Đứng gần bên” chỉ về sự sẵn sàng, cũng như là chờ đợi hướng dẫn tiếp theo. Và đó là câu chuyện của cuộc đời Giăng, cuộc đời đứng gần bên. Chẳng phải sẽ thật tuyệt vời biết bao khi có những người bạn luôn bên cạnh phải không? Và nếu chúng ta đang đứng gần bên để chờ đợi những mạng lệnh của Chúa thì cuộc sống này sẽ dễ dàng hơn biết chừng nào. Sẵn sàng để làm bất cứ điều gì Ngài phán bảo vì sự vinh hiển của Ngài. Hãy suy nghĩ thử xem đời sống thuộc linh của chúng ta sẽ đắc thắng như thế nào nếu chúng ta sẵn sàng trở nên người môn đồ đứng gần bên.
Nhiều Cơ Đốc nhân nghĩ rằng họ phải đứng phía trước, tên của mình phải ở trên những tiêu đề. Nhưng sẽ tốt đẹp biết bao nếu chúng ta có thể học cách hài lòng với những gì Chúa muốn chúng ta làm. Tôi hy vọng mình sẽ học thuộc lòng điều này. Rằng chúng ta sẽ không nghĩ bản thân mình quá cao. Rằng chúng ta bằng lòng để Phi-e-rơ đi trước như khi cả đội cùng chạy ra ngôi mộ. Rằng chúng ta sẽ sẵn sàng đi tới chặng đường cuối cùng của thập tự giá và đứng gần bên, biết đâu Chúa cần đến. Rằng chúng ta không cần tất cả mọi người đều biết đến tên của mình. Rằng chúng ta chỉ là môn đồ kia, môn đồ đứng gần bên, và đó là tất cả những gì chúng ta cần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn trung tín và đứng gần bên Ngài cho tới cuối cùng để sẵn sàng được Ngài sử dụng bất cứ lúc nào. Nguyện cuộc đời con sẽ hữu ích cho Ngài luôn luôn. Con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Quý thính giả thân mến, có thể bạn không phải là những người lãnh đạo, có thể bạn không được nhiều người biết đến, nhưng hãy cứ trung tín và sẵn lòng trong mọi công việc Chúa giao. Sự trung tín và sẵn lòng của bạn chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của Nước Chúa.
Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:
Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199
Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.
Nguồn: https://oneway.vn/