Bạn đã bao giờ trải nghiệm lặn biển với bình dưỡng khí? Cảm giác ở sâu dưới đáy đại dương mênh mông có thể rất đáng sợ, nhưng cũng rất đáng để trải nghiệm. Và bạn biết không, cuộc sống này cũng giống như một chuyến lặn biển. Khi nắm vững một số nguyên tắc, kỹ năng, và có niềm tin nơi Chúa, bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời và bình an dưới đáy đại dương bao la.
Hôm nay, ngày 28/07/2022, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Diane Markins qua chủ đề BÀI HỌC TỪ NHỮNG CHUYẾN LẶN BIỂN.
“Trong ngày sợ hãi, con sẽ đặt trọn niềm tin nơi Ngài” (Thi thiên 56:3)
Sau 20 năm nghỉ ngơi, tôi lại đi lặn biển. Trước đây, tôi không phải một thợ lặn giỏi và tự tin, mặc dù khi ấy tôi còn trẻ và mạnh mẽ hơn bây giờ. Nhưng trong khi chúng ta mất đi nhiều thứ do tuổi tác, chẳng hạn cơ bắp, khả năng nghe, nhìn,… thì chúng ta cũng đạt được nhiều thứ nhờ tuổi tác: sự khôn ngoan, tính kiên nhẫn, lòng bình an. Tôi dựa vào những kỹ năng đó khi lặn dưới làn nước biển xanh thẳm.
SCUBA là bộ môn lặn biển với bình dưỡng khí. Khi sử dụng bình dưỡng khí, bạn có thể bước vào thế giới đại dương. Lặn với ống thở cũng rất thú vị, nhưng bạn không thể trải nghiệm cảm giác ở sâu dưới biển trong khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, lặn với ống thở thì ít gặp những rủi ro bị chấn thương phổi hoặc não hơn.
Sau khi cố nén cơn buồn nôn vì say sóng trên chiếc thuyền nhỏ lênh đênh giữa biển, tôi đeo chiếc bình dưỡng khí nặng trịch lên lưng, và bất chợt cảm thấy khỏe hơn nhiều. Nhưng ngay lập tức, tôi nhớ ra lý do tại sao trước đây mình bỏ lặn, đó là lặn làm tôi sợ!
Với quyết tâm không chỉ lặn theo đúng kế hoạch mà còn phải tận hưởng đại dương bao la, tôi bắt đầu cầu nguyện và ôn lại chi tiết quá trình mình được huấn luyện.
Từ bộ môn lặn biển, có rất nhiều điều để học hỏi và áp dụng trong cuộc sống.
• Nguyên tắc đầu tiên là luôn luôn thở. Không cần biết chuyện gì xảy ra, bạn phải thở. Nếu bình dưỡng khí của bạn hết không khí và bạn buộc phải trồi lên mặt nước, chỉ cần thở ra từ từ, đừng nín thở. Khi ấy, phổi sẽ nở ra và đẩy bạn ngoi lên mặt nước dễ dàng hơn.
Gióp 27:3 chép: “Ngày nào hơi thở còn trong tôi và sinh khí của Đức Chúa Trời còn trong mũi tôi…”
Khi lo lắng, sợ hãi, kiệt sức, tức giận hoặc buồn bã, chúng ta thường không thở nổi. Hơi thở khi ấy hổn hển và rất nông. Điều này làm hạn chế khả năng lưu thông khí oxy và khiến cơ thể chúng ta trở nên yếu ớt. Chúng ta sẽ thấy nhẹ nhõm hơn khi hít vào thật sâu và thở ra để giải phóng cảm xúc.
• Một nguyên tắc quan trọng nữa là “đừng hoảng sợ.” Nếu hoảng sợ, bạn dễ lắm quên mất nguyên tắc thứ nhất và mọi nguyên tắc khác… Điều này có thể khiến bạn mất mạng trong bộ đồ lặn.
Thi Thiên 56:3 chép: “Trong ngày sợ hãi, con sẽ đặt trọn niềm tin nơi Ngài.”
Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những khó khăn bất ngờ: bạn đời lừa dối, bệnh nan y, con cái hư hỏng, hoặc không có công ăn việc làm… Hoảng loạn theo phản xạ tự nhiên thường gây hại nhiều hơn lợi. Khi bạn gặp thử thách bất ngờ, trước tiên hãy hít thở sâu; sau đó hãy cầu nguyện. Chỉ cần một tiếng kêu cầu danh Chúa, Ngài sẽ lắng nghe và đáp lời bạn.
• Kiểm tra thiết bị lặn của bạn. Nếu bình dưỡng khí thiếu khí, trọng lượng không chính xác hoặc bộ điều chỉnh bị rò rỉ, bạn sẽ không thể lặn an toàn.
Dạo này bạn có kiểm tra thiết bị của mình không? Bạn có đọc Kinh Thánh không, hay để mặc Lời Chúa phủ đầy bụi? Bạn có “mặc lấy áo giáp” không, hay bỏ bê nó đến mức hoen gỉ? Bạn có thường đến nhà thờ để thờ phượng Chúa không? Những điều này sẽ trang bị cho bạn khi khủng hoảng xảy đến, và giúp bạn vững vàng để tận hưởng thời gian vui vẻ.
• Luôn có bạn lặn đi cùng. Hãy đảm bảo rằng bạn lặn luôn ở trong tầm mắt của bạn. Hãy kiểm tra tín hiệu liên lạc và bàn về cách hỗ trợ nhau trong trường hợp khẩn cấp. Chồng tôi từng bị mắc kẹt vào dây câu khi lặn. Anh ấy được cứu nhờ có bạn lặn giúp cắt sợi dây câu.
Sẽ rất nguy hiểm và mệt mỏi nếu bạn cố gắng một mình vượt qua khó khăn. Hãy đầu tư vào tình bạn, học cách chia sẻ và ở bên cạnh khi bạn bè cần bạn.
• Thư giãn và tận hưởng. Khi ở độ sâu hơn 20 mét dưới biển, tôi phải liên tục gạt bỏ ý muốn ngoi lên mặt nước. Những nỗi sợ phi lý cứ len lỏi cho đến khi tôi quyết định tin cậy và tận hưởng khoảnh khắc này. Tôi tin tưởng vào thiết bị lặn, bạn lặn, kỹ năng của mình, và nhất là Cứu Chúa của tôi.
Thật ngoạn mục! Khi tôi ngừng “bơi” và bình tĩnh lướt theo dòng nước, cơ thể tôi bắt đầu thả lỏng. Khi không còn hướng về phía mặt nước, và bắt đầu ngắm xem xung quanh, tôi thấy những con cá ngộ nghĩnh, những khối đá và san hô tuyệt đẹp cũng không khác gì mấy so với bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào. Vợ chồng tôi ra hiệu bằng tay để đùa nhau. Mọi việc lúc này thật dễ dàng, vui vẻ và vô cùng bình yên.
Nhưng tôi đã suýt bỏ lỡ trải nghiệm tuyệt vời ấy. Nếu không quyết định chấp nhận món quà bình an Chúa ban, chúng ta sẽ bỏ lỡ niềm vui, vẻ đẹp và những bài học quý giá trong thời gian thử thách.
Hãy cứ hít thở và đừng ngại lặn sâu. Hãy kinh nghiệm Lời Chúa phán với tác giả Thi Thiên 46:10 rằng, “Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Đức Chúa Trời”.
Cầu nguyện: Cảm ơn Chúa đã dùng những điều trong cuộc sống để dạy con nhiều bài học quý giá về đức tin. Khi con bơ vơ dưới đáy biển sâu, chính Ngài là chiếc bình dưỡng khí của con! Xin Chúa giúp con tiếp tục tin cậy nơi Ngài, và ban cho con sự bình an của Ngài, để con được an ninh dù đang ở tận nơi đáy biển sâu. Con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Jêsus Christ, Amen.
Quý thính giả thân mến, cuộc đời này giống như đại dương bao la với những con sóng dập dìu. Đừng sợ hãi và đừng bỏ lỡ vẻ đẹp xung quanh bạn, hãy áp dụng những nguyên tắc sống còn khi lặn biển vào đời sống hàng ngày. Đức tin nơi Chúa và những nguyên tắc quý của Ngài sẽ giúp bạn tận hưởng sự bình an xuyên suốt cơn thử thách. Chúa là chiếc bình dưỡng khí của bạn, hãy nương cậy nơi Ngài!
Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:
Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199
Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.
Nguồn:https://oneway.vn/