Trong nền văn hóa của chúng ta ngày nay, người ta tôn vinh dục vọng cá nhân, và thần tượng hóa bản thân mình. Nhưng tất cả mọi thứ thuộc về thế gian này đều là hư không. Lòng kiêu ngạo khiến chúng ta sập bẫy của kẻ thù. Chỉ có đức tin và tấm lòng vâng phục nơi Đấng Christ, tôn cao Đức Chúa Trời mới là sự vinh hiển thực sự mà chúng ta cần.
Hôm nay, ngày 06/01/2023, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Gordon Robertson qua chủ đề CỦA LỄ TUYỆT VỜI.
“Ngài phải được tôn cao, còn tôi phải hạ xuống” (Giăng 3:30)
Trong một chuyến viếng thăm Giê-ru-sa-lem gần đây, tôi được chiêm ngưỡng Núi Đền và dãy Mô-ri-a hùng vĩ. Thật xúc động biết bao khi nghĩ đến những của lễ chuộc tội trên ngọn núi đó – nơi Áp-ra-ham dâng Y-sác và Chúa Jêsus hiến chính thân Ngài.
Áp-ra-ham đã hơn 100 tuổi khi Đức Chúa Trời phán với ông:
“Hãy dẫn con trai của con, đứa con một mà con yêu dấu, là Y-sác, đi đến đất Mô-ri-a. Tại đó, con hãy dâng đứa trẻ làm tế lễ thiêu trên một trong những ngọn núi mà Ta sẽ chỉ cho con” (Sáng Thế Ký 22:2)
Một số học giả Kinh Thánh cho rằng có thể lúc bấy giờ Y-sác đã 35 tuổi. Ông không cần phải vâng phục – nhưng ông vẫn vâng phục.
Trong Vườn Ghết-sê-ma-nê, Đức Chúa Jêsus cầu nguyện rằng:
“Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi Con! Dù vậy, xin ý Cha được nên, chứ không theo ý Con!” (Lu-ca 22:42).
Điều gì có thể khiến một người thốt lên: “Vâng, con đồng ý làm của lễ hy sinh!”?
Khi Đức Chúa Jêsus báo trước việc Phi-e-rơ sẽ qua đời như thế nào, Phi-e-rơ lại phản ứng bằng cách hỏi về Giăng. Và Chúa Jêsus đã trả lời:
“Nếu Ta muốn người ấy cứ ở lại cho tới lúc Ta đến thì can hệ gì đến con? Phần con, hãy theo Ta.” (Ga-la-ti 21:22).
Nhiều năm sau – khi các môn đồ khác đã tuận đạo – Giăng công bố một sự thật sâu sắc rằng:
“Vì mọi sự trong thế gian như dục vọng của xác thịt, ham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo về cuộc sống, đều không đến từ Đức Chúa Cha mà đến từ thế gian” (1 Giăng 2:16)
Trong nền văn hóa của chúng ta ngày nay, dục vọng gần như được tôn vinh. Tuy nhiên, như Sa-lô-môn đã nhận biết trong sách Truyền Đạo, con người không bao giờ thỏa mãn cho dù có được tất cả mọi thứ.
Giăng nói về một sự cám dỗ khác là thái độ kiêu ngạo trong cuộc sống, có thể được chia thành ba phần:
– Tự phụ: “Mọi thứ sẽ tốt hơn nếu tôi nắm quyền kiểm soát!”
– Tự mãn: “Tôi biết rồi! Tôi biết tôi đang làm gì!”
– Tự tôn: “Chẳng phải tôi làm rất tốt sao? Tại sao bạn lại không nhận ra chứ?”
Cả ba bản tính này đều tập trung vào chữ “tự”. Càng tự tâng bốc bản thân, chúng ta càng dễ bị vấp ngã bởi những tính cách này – vì vậy hãy cùng xem xét từng điều một.
Tự phụ: Tự phụ là tự cao, tự đại, tự đắc, tự đánh giá cao bản thân mình cao hơn người khác. Điều gì đã khiến Sa-tan sa ngã? Hắn ngưỡng mộ vinh quang của bản thân và nói: “Ta sẽ thống trị.” Ý thức méo mó về bản ngã sẽ dẫn dụ chúng ta ra khỏi ý muốn của Đức Chúa Trời.
Chúng ta tìm thấy giải pháp trong lời của Giăng Báp-tít: “Ngài phải được tôn cao, còn tôi phải hạ xuống” (Giăng 3:30).
Tương tự, Phao-lô nói: “Mỗi ngày tôi phải đối diện với sự chết” (1 Cô-rinh-tô 15:31).
Ông giải thích trong Ga-la-ti 2:20, “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong thể xác, tức là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi.”
Chúng ta phải lựa chọn giữa tính tự phụ và lòng vâng lời. Chúng ta chọn nói rằng: “Tôi sẽ làm theo cách của mình” hay “Tôi sẽ làm theo cách của Ngài”? Nếu chúng ta làm bất cứ điều gì Chúa truyền dạy – và làm trong tình yêu thương – thì chúng ta là bạn của Ngài. Và chúng ta nắm chắc lời hứa của Ngài trong 2 Cô-rinh-tô 5:17:
“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới.”
Tự mãn: “Tự mãn” là cảm giác tự thỏa mãn với những gì mình có, tự nghĩ rằng mình có thể làm được mà không cần phải học hỏi hay cố gắng hơn nữa. Trong bữa tiệc cuối cùng với các môn đồ, khi Chúa Jêsus nói với họ về sự thương khó của Ngài, Ngài nói rằng Phi-e-rơ sẽ chối Ngài. Tuy nhiên, Phi-e-rơ rất tự mãn và nói: “Dù tất cả đều vấp ngã vì cớ Thầy đi nữa, con sẽ không bao giờ vấp ngã” (Ma-thi-ơ 26:33)
Chúa Jêsus đáp: “Thật, Ta bảo con: Chính đêm nay, trước khi gà gáy, con sẽ chối Ta ba lần” (Ma-thi-ơ 26:34).
Sau đó, Phi-e-rơ nói với Con Đức Chúa Trời rằng Ngài đã sai: “Cho dù phải chết với Thầy đi nữa, con sẽ chẳng chối Thầy đâu.” Tất cả các môn đồ đều nói như vậy” (Ma-thi-ơ 26:35).
Tuy nhiên, không ai sẵn sàng chết với Chúa Jêsus cả. Đó chính là kết cục mà lòng tự phụ sẽ đưa chúng ta đến.
Tự tôn: Chúng ta cũng nên đề phòng thái độ tự tôn, tức là tự nhận mọi vinh quang về mình. Hãy biết rằng chúng ta chỉ là người quản lý, người đại diện và chiếc bình trong tay người Thợ Gốm là Chúa. Ngài khiến chúng ta trở nên hữu ích. Ngài giải cứu chúng ta khỏi vực thẳm để chúng ta được phục vụ Ngài. Ngài đưa chúng ta ra khỏi đống tro tàn và để chúng ta ngồi đồng bàn với các hoàng tử. Chúng ta không xứng đáng với bất kỳ điều gì Ngài đã làm cho chúng ta.
Khi Giăng cảnh báo chúng ta hãy chống lại những cám dỗ của dục vọng và kiêu ngạo, ông đề ra cách khắc phục:
“Thế gian với những dục vọng của nó đều qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (1 Giăng 2:17).
Thay vì yêu thích những thứ tạm bợ, chúng ta nên làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời và dẫn dắt mọi người đến với Chúa Jêsus, để nhiều người có thể bước vào Vương quốc đời đời của Ngài.
Giăng viết những lời này trong thời kỳ bị bắt bớ khủng khiếp – không khác nhiều so với tình trạng mà một số Cơ Đốc nhân ngày nay phải đối mặt, khi họ buộc phải lựa chọn giữa đức tin và mạng sống mình.
Phao-lô nói trong Rô-ma 8:36-37, “Vì cớ Chúa mà chúng con bị giết hằng ngày; Chúng con bị coi như chiên đem đi làm thịt. Trái lại, trong mọi sự ấy chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà toàn thắng.”
Chúng ta không bao giờ có thể chiến thắng cái ác bằng cái ác, nhưng chỉ chiến thắng bằng cái thiện và tình yêu thương.
Sách Khải Huyền 12:11 tuyên bố: “Họ đã chiến thắng nó nhờ huyết Chiên Con, và nhờ lời làm chứng của họ; Họ chẳng tiếc sự sống của mình cho đến chết.”
Chúng ta không chiến đấu chống lại thịt và huyết, mà là chống lại những thế lực cám dỗ muốn chúng ta rơi vào lối sống kiêu ngạo.
Kẻ thù thuộc linh sẽ phải thua cuộc trước một người sẵn sàng nói như Y-sác: “Thưa Cha!”, và nói như Chúa Jêsus: “Xin ý Cha được nên, chứ không theo ý Con!”
Khi chúng ta hoàn toàn từ bỏ chính mình, kẻ thù sẽ không còn chỗ đứng và không còn cớ gì để buộc tội chúng ta nữa. Chúng ta đã mất mọi thứ trên đời, và tất cả những gì còn lại trong chúng ta bây giờ đều thuộc về Cha. Chúng ta nhận ra thế giới này không phải là nhà mình: chúng ta được định sẵn cho Vương quốc Giê-ru-sa-lem Mới, nơi được xây dựng bởi chính bàn tay Đức Chúa Trời.
Cầu nguyện: Xin Chúa tha thứ cho con vì bao lần con đã kiêu ngạo, không vâng theo ý Ngài. Xin giúp con biết hạ mình, dâng mình trọn vẹn cho Chúa như của lễ đẹp lòng Ngài. Nguyện mọi ý muốn Cha được nên qua đời sống con! Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jêsus Christ, Amen.
Quý thính giả thân mến, vì chúng ta đã được chuộc mua bởi một giá rất cao, chính là mạng sống của Con Đức Chúa Trời, vì thế, hãy dẹp bỏ mọi ham muốn xác thịt và kiêu ngạo đời này, để khi Chúa gọi chúng ta có thể sẵn sàng đáp lời rằng: “Thưa Cha, có con đây!” và dâng mọi vinh quang cho Ngài.
Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:
Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199
Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.
Nguồn: https://oneway.vn/