Con người chúng ta rất dễ bị lôi kéo vào những cuộc tranh luận “hay ho”. Tuy nhiên, hiếm ai tranh luận vì lẽ phải, mà thường là để bảo vệ cái tôi cá nhân và chứng minh mình đúng. Chúa kêu gọi chúng ta phải biết kiềm giữ bản thân và có lòng nhu mì, yêu thương khi phản ứng lại với bất cứ tình huống tranh cãi nào. Vì thế, đừng để cái tôi hay kẻ thù giật dây, mỗi chúng ta phải thật tỉnh táo để không làm tổn thương anh em mình.

Hôm nay, ngày 24/09/2022, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Katy Kauffman qua chủ đề BẠN CÓ DỄ BỊ GIẬT DÂY?

“Phước cho những người nhu mì, vì sẽ thừa hưởng đất!” (Ma-thi-ơ 5:5)

Chú mèo tên Sam bước vào cuộc đời tôi năm tôi 9 tuổi. Nó không đeo vòng cổ nên chúng tôi không biết chủ của nó là ai. Gia đình tôi đã nhận nuôi con mèo này, và đó là chú mèo cưng của chúng tôi trong suốt 18 năm. Vì nó là vật nuôi duy nhất trong nhà, bạn có thể nghĩ nó rất cô đơn. Nhưng không hề. Vì tôi luôn bên cạnh nó.

Tôi có thể dễ dàng “giật dây” chú mèo của mình. Với một chiếc lông vũ, một sợi dây, đèn pin hoặc tia laze, tôi có thể nhanh chóng thu hút sự chú ý của nó và lôi kéo nó vào trò chơi đuổi bắt. Đôi mắt xanh lục của nó trở nên thích thú mãnh liệt, và chú mèo không thể cưỡng lại được. Bốn bàn chân xám của nó sẽ khẳng định mục tiêu, và bất cứ thứ gì tôi đang cầm rốt cuộc rồi cũng sẽ nằm gọn giữa hàm răng nó. Hài lòng với chiến thắng, sau đó nó sẽ quay trở lại tắm nắng hoặc tiếp tục cuộc khám phá mà mình đang làm.

Nghĩ đến những gì con mèo của tôi đã trải qua, tôi tự hỏi mình có dễ bị “giật dây” không? Không phải kiểu bị lôi kéo vào trò chơi mèo vờn chuột, mà là bị cuốn vào cuộc chiến của ngôn từ và cái tôi? Trước đây, tôi rất dễ bị giật dây. Thật khó để cưỡng lại một cuộc tranh luận hay ho. Nhưng tôi phát hiện ra rằng thay vì đề cao sự thật, cuối cùng tôi lại tranh luận để chứng minh mình đúng. Chúng ta thường thích gây chiến khi “danh dự”, quyền lợi hoặc cái tôi của mình đang gặp nguy hiểm. Có lẽ đó là lý do Chúa Jêsus nhắc đến sự nhu mì trong các phước lành.

Ma-thi-ơ 5:5 chép: “Phước cho những người nhu mì, vì sẽ thừa hưởng đất!”

Tôi xấu hổ khi nhớ đến ơn phước Chúa Jêsus ban cho người nhu mì. Tôi đã không chịu từ bỏ những cuộc chiến trông có vẻ “tốt đẹp”. Nhưng điều tôi không hiểu là: người nhu mì không từ bỏ quyền “chiến thắng” của mình để trông có vẻ tin kính – họ chọn từ bỏ quyền lợi của mình để không làm tổn hại đến người khác. Có thể họ chỉ im lặng, hoặc đáp lại những lời lẽ xúc phạm bằng thái độ bình tĩnh. Họ không dễ dàng bị giật dây bởi cái tôi hoặc sự nóng nảy, để phản ứng lại một cách thiếu đúng đắn.

Khi được Chúa giúp đỡ, chúng ta có thể chống lại những cách phản ứng không tin kính, và giành được đất (Ma-thi-ơ 5:5). Trong Tân Ước, “đất” ám chỉ các phước hạnh thiêng liêng lớn lao.

Thái độ nhu mì giúp chúng ta có được mối quan hệ mật thiết với Chúa. Vì “đất” trong Cựu Ước thường biểu thị cơ nghiệp của người ở trong mối quan hệ tốt đẹp với Đức Chúa Trời, nên có thể lập luận rằng lòng nhu mì giúp chúng ta gặt hái một mối quan hệ gần gũi với Chúa ngày nay, một cơ nghiệp đáng mơ ước và đáng để chúng ta tự kiềm chế bản thân. Khi kiềm chế thái độ tức giận và từ chối phản ứng sai trật, chúng ta đang tôn vinh Đấng có lòng kiên nhẫn, ân điển và khả năng chịu đựng cao nhất. Chúng ta làm vui lòng Cha, và trở nên đáng tin cậy hơn trong các mối quan hệ của mình cùng các nhiệm vụ Chúa giao. Chúng ta có được niềm vui. Và giá trị bản thân không phụ thuộc vào việc chiến thắng người khác bằng lời nói và lý luận, mà thuộc về vị Vua vĩ đại, Đấng luôn luôn yêu thương mọi người.

Chú mèo của tôi thì hết hy vọng rồi. Nó không thể cưỡng lại những trò chơi ngon lành. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, khi đặt tình yêu lên trên cái tôi, chúng ta có thể chống lại những cuộc tranh luận hoặc thách thức “ngon lành” đang bày ra trước mắt. Chúng ta có thể dập tắt cơn thịnh nộ, buồn giận, độc ác (Cô-lô-se 3:8) và mặc lấy lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường (Cô-lô-se 3:12).

Vì Chúa yêu thương chúng ta, Ngài sẽ giúp chúng ta biết phải nói gì hoặc làm gì trong một tình huống căng thẳng, và Ngài sẽ thay mặt chúng ta chiến đấu nếu cần. Tình yêu thương và sự giúp đỡ của Chúa là đồng minh đắc lực khi chúng ta chọn sống nhu mì thay vì giận dữ. Khi đó, không ai có thể giật dây chúng ta theo hướng tiêu cực được nữa.

Cầu nguyện: Xin Chúa tha thứ cho con vì những cuộc tranh luận đặt cái tôi lên hàng đầu, làm tổn thương anh em mình và thiếu mất tình yêu thương. Xin Chúa ban cho con lòng nhu mì nhẫn nại cũng như sự khôn ngoan và tỉnh táo để không lao vào những cuộc đấu khẩu vô bổ. Xin Cha giúp con phản ứng lại với mọi tình huống bằng tấm lòng yêu thương và nhẫn nại. Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jêsus Christ, Amen.

Quý thính giả thân mến, liệu bạn có phải là người dễ dàng bị giật dây để lao vào những cuộc tranh luận vô nghĩa, gây tổn thương người khác? Lần sau, khi đứng trước một quyết định tranh cãi, hãy nhờ cậy Chúa giúp bạn có lòng nhu mì và tính nhẫn nại. Khi ấy, bạn sẽ có một tâm trí khôn ngoan hơn để giải quyết mọi vấn đề theo cách tốt nhất và bình an nhất.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.

Nguồn: https://oneway.vn/

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here