Khi đánh giá bản thân mình, thường thì chúng ta sẽ nhìn vào điều gì? Khả năng, chuyên môn, ngoại hình, nhất là hoàn cảnh xuất thân… Nhưng có thể chúng ta sẽ phải ngạc nhiên vì Chúa không nhìn chúng ta như vậy.
Hôm nay, ngày 28/04/2022, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Wally Odum qua chủ đề BẠN NHÌN THẤY MÌNH NHƯ THẾ NÀO?
“Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện đến với Ghi-đê-ôn và nói:“Hỡi người chiến sĩ dũng cảm! Đức Giê-hô-va ở với anh.” (Các Quan Xét 6:12)
Ít ai có khả năng tự trào phúng một cách lành mạnh hơn là Abraham Lincoln. Không có một ngoại hình ưa nhìn nhưng ông lại có khả năng tài tình trong việc biến các đặc điểm riêng của mình thành lợi thế. Một lần, trong cuộc tranh luận chính trị, đối thủ chỉ trích ông là kẻ hai mặt. Lincoln trả lời: “Tôi không thể có hai mặt. Bởi vì nếu có hai khuôn mặt, tôi sẽ không đeo cái này”. Khả năng hài hước với chính đặc điểm cơ thể là một trong những phẩm chất hấp dẫn nhất của Lincoln.
Có nhiều yếu tố góp phần đến cách chúng ta cảm nhận về bản thân. Một trong những vấn đề quan trọng nhất để xác định sự tự tin của chúng ta là nhận thức về bối cảnh xuất thân của mình.
Trong cuốn sách Lòng Tự Tôn, hai tác giả Alister và Joanna McGrath chỉ ra rằng người Mỹ gốc Ireland coi di sản của họ như một thứ gì đó cực kỳ quan trọng. Ý thức về di sản đó cũng đúng với cộng đồng người Do Thái ở Mỹ. Họ lớn lên với một lòng trung thành mạnh mẽ đối với nền văn hóa của mình. Việc họ cử hành Lễ Vượt Qua và sự gắn kết với quốc gia Y-sơ-ra-ên cho thấy tầm quan trọng của bối cảnh xuất thân là như thế nào.
Cuốn tiểu thuyết của tác giả Alex Haley vào những năm 1970 với tựa đề Cội rễ đã thu hút tình cảm mạnh mẽ của người Mỹ gốc Phi đối với di sản của họ. Tất cả những điều trên là ví dụ rõ ràng cho thấy ý thức về bối cảnh xuất thân có ảnh hưởng quan trọng đến cách chúng ta cảm nhận về bản sắc của mình.
Nhưng nếu bạn không coi trọng lịch sử của mình thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cảm thấy bối cảnh xuất thân đang ngăn trở bạn thành công? Đó là trường hợp của Ghi-đê-ôn. Ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo được chú ý của Y-sơ-ra-ên, nhưng không phải vì ông có cái nhìn tích cực về bản thân. Đức Chúa Trời tìm thấy ông đang tuốt lúa trong hầm ép rượu. Tất nhiên, đó không phải là nơi người ta phơi lúa mì. Ông ở đó vì sợ người Ma-đi-an sẽ cướp lúa của mình. Nhưng lạ lùng thay, ở đó Chúa gọi ông bằng một danh hiệu đặc biệt, “người chiến sĩ dũng cảm” (Các Quan Xét 6:12). Khi Ghi-đê-ôn phản đối, liệt kê những lý do và những phẩm chất cho thấy mình không đủ tiêu chuẩn như thế nào, Chúa kết thúc cuộc trò chuyện bằng cách bác bỏ quan điểm của Ghi-đê-ôn.
“Đức Giê-hô-va quay lại phán với ông: “Hãy dùng năng lực con có mà giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Ma-đi-an. Chẳng phải Ta sai con đó sao? Ghi-đê-ôn thưa: “Lạy Chúa, làm sao con có thể giải cứu Y-sơ-ra-ên được? Nầy, gia tộc con nghèo nhất trong bộ tộc Ma-na-se, và con lại là người nhỏ nhất trong gia đình.” Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ ở cùng con, và con sẽ đánh bại dân Ma-đi-an như đánh một người vậy.’” (Các Quan Xét 6:14-16).
Đó là cách nhìn điển hình của chúng ta về bản thân mình. Chúng ta biết rõ những điểm yếu của mình hơn bất kỳ ai khác. Chúng ta biết mình nhỏ bé như thế nào và nhanh chóng tự loại mình ra khỏi kế hoạch bằng cách đưa ra những hình ảnh tội nghiệp về bản thân.
Nhưng đó không phải là cách Chúa nhìn chúng ta. Ngài gọi Ghi-đê-ôn là một “người chiến sĩ dũng cảm”. Danh xưng này đến từ đâu? Chắc chắn, không phải từ những gì Ghi-đê-ôn đang làm trong hầm ép rượu. Tất cả mọi người quan sát đều có thể nhận ra Ghi-đê-ôn là một nông dân nhút nhát, sợ hãi. Đó là những gì ông nghĩ về mình và đó là điều mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng sẽ nghĩ về ông. Nhưng Chúa đã nhìn thấy một thứ khác. Ngài đã nhìn thấy một “người chiến sĩ dũng cảm”. Thật khó để giải thích. Có thể điều này để cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời không nhìn chúng ta như cách chúng ta nhìn thấy chính mình.
Đằng sau câu chuyện kỳ diệu về Ghi-đê-ôn có một điểm không thể bỏ qua. Chúa nói với ông, “Ta sẽ ở cùng con”. Đó là bí quyết thành công của chúng ta. Đó là lời nhắc nhở rằng chúng ta là ai không quan trọng bằng việc Ngài là ai.
Chiến thắng của chúng ta đã được đảm bảo bởi vì Chúa sử dụng những người trong số chúng ta, những người thậm chí không tin vào bản thân mình. Chiến thắng của chúng ta được đảm bảo bởi vì Chúa không bị thuyết phục bởi tất cả những lời tuyên bố để khước từ nhiệm vụ và danh sách dài những phẩm chất không đủ tiêu chuẩn của chúng ta. Ngài nhìn xa hơn những gì chúng ta đang có, nhìn thấy những gì chúng ta có thể trở nên; và đảm bảo với chúng ta về sự hiện diện của Ngài. Bạn và tôi là người chiến thắng vì chúng ta có một Đức Chúa Trời vĩ đại, Đấng bày tỏ sự tin tưởng vào chúng ta và đồng hành với chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Cầu nguyện: Cảm ơn Chúa vì Ngài không nhìn chúng con theo cách mà chúng con nhìn thấy chính mình. Với lời đảm bảo rằng Ngài sẽ luôn ở cùng chúng con, xin giúp chúng con có thể dạn dĩ trong Chúa và giành lấy chiến thắng cho danh vinh hiển của Ngài. Con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Quý thính giả thân mến, bạn là ai không quan trọng bằng việc Chúa của bạn là ai. Vì vậy, khi đứng trước một nhiệm vụ Chúa giao phó, thay vì phán đoán dựa vào năng lực bản thân, hãy tìm kiếm ý Chúa và năng lực của Ngài. Mọi nhiệm vụ đến từ Chúa đều sẽ được Ngài ở cùng, ban ơn và giúp bạn thành công.
Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:
Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199
Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.
Nguồn: https://oneway.vn/