Cái tên gửi gắm nhiều tâm tình và kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái. Đức Chúa Trời gọi những người Ngài chọn là “thánh”. Vậy “thánh” có nghĩa là gì và làm sao để chúng ta sống cuộc đời nên thánh?
Hôm nay, ngày 14/03/2022, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Beebe Kauffman qua chủ đề ĐƯỢC GỌI LÀ THÁNH
“Những người còn lại ở Si-ôn, những người còn sót lại ở Giê-ru-sa-lem sẽ được gọi là thánh. Tất cả được ghi vào sổ những người sống tại Giê-ru-sa-lem” (Ê-sai 4:3)
Bạn có thích cái tên mà ba mẹ bạn đã đặt cho mình không? “Beebe” là tên của dì tôi trước khi nó là của tôi, nhưng bà Barbara luôn lảng tránh về nguồn gốc của cái tên đó. Có thể đó là biệt danh thời thơ ấu của bà, hoặc có thể đó là cách bà đặt tên con gái của mình theo tên của cả ba lẫn mẹ, tức là Bryan kết hợp với Barbara. Cái tên này hơi khó đánh vần và hầu hết mọi người đều ngại phát âm, nhưng dù gì thì nó vẫn là một cái tên hay.
Trong Ê-sai 4, Đức Chúa Trời bày tỏ thái độ với những đứa con kiêu ngạo và bất trung của Ngài. Ngài nói với họ rằng Ngài sẽ phán xét họ, nhưng sau đó, những người còn sót lại sẽ được gọi bằng một cái tên đặc biệt — một cái tên tốt.
Những người còn lại ở Si-ôn, những người còn sót lại ở Giê-ru-sa-lem sẽ được gọi là thánh. Tất cả được ghi vào sổ những người sống tại Giê-ru-sa-lem (Ê-sai 4:3)
Tại sao họ được gọi là “thánh”? Tôi đã thực hiện một số nghiên cứu. Tôi thử liệt kê 18 câu Kinh Thánh có chữ “thánh” hoặc “sự thánh khiết” và đọc những phần giải nghĩa liên quan đến các câu Kinh Thánh đó.
Sự hiểu biết cơ bản của tôi về “thánh khiết” là đúng — đó là tách biệt khỏi tội lỗi và biệt riêng cho Đức Chúa Trời. Một định nghĩa khác mà tôi cảm thấy dễ dàng liên hệ là “sự trong sạch”. Sự thánh khiết thực sự có cội rễ sâu xa hơn những gì chúng ta nói và làm. Nó chạm đến tấm lòng của chúng ta, phơi bày về con người của chúng ta, cách chúng ta kết nối và những gì chúng ta trân quý. Sự thánh khiết sưởi ấm và kết nối tấm lòng chúng ta với sự tin kính, điều đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nó thúc đẩy chúng ta suy nghĩ khác đi, nhìn thấy rõ ràng hơn, và được khuấy động để quan tâm, giúp đỡ và bày tỏ lòng nhân ái nhiều hơn, lớn hơn. Chủ nghĩa kinh luật buộc chúng ta phải hành xử đúng theo những tiêu chuẩn, còn sự thánh khiết biến đổi tấm lòng chúng ta để ứng xử cách phải lẽ.
Được biến đổi do đâu? Tiếp nhận Lời của Đức Chúa Trời, điều chỉnh bản thân đúng theo Lời ấy và sẵn lòng để Chúa hành động khi Ngài uốn nắn, tỉa sửa tâm trí và tấm lòng chúng ta.
Đức Chúa Trời muốn chúng ta lớn lên trong sự thánh khiết. Ngài phán, “Các con phải thánh, vì Ta là thánh.” (1 Phi-e-rơ 1:16).
Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời bao gồm sự hoàn hảo vô hạn và đạo đức tuyệt đối. Nghĩa là Chúa hoàn hảo trong tình yêu thương, hoàn hảo trong sự thành tín và hoàn hảo trong sự công chính. Ngài tốt đẹp cách tuyệt đối về mặt đạo đức, trong thuộc tính và trong đường lối của Ngài. Đức Chúa Trời là thánh và Ngài truyền lệnh cho con cái Ngài cũng phải thánh, nghĩa là tách biệt khỏi mọi sự ô uế về đạo đức, sống đời đức hạnh, trong sạch.
Tất nhiên bởi sức riêng của mình, chúng ta khó lòng sống theo như vậy. Nhưng Đức Thánh Linh giúp đỡ chúng ta trong tiến trình này. Khi chúng ta thuận phục Ngài thì Ngài sẽ chế tạo, nhào nặn, làm nên và duy trì sự thánh khiết trong con cái của Đức Chúa Trời. Sự thánh khiết là kết quả khi Thánh Linh hành động trong tâm hồn chúng ta. Sự thánh khiết ấy được thể hiện qua những đặc tính hay diện mạo riêng biệt mà Ga-la-ti 5:22 gọi là: Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ.
Khi chúng ta trưởng thành trong sự thánh khiết thì chúng ta trở nên giống như hình ảnh của Chúa Giê-xu: Vì những người Ngài đã biết trước thì Ngài cũng định sẵn cho họ trở nên giống như hình ảnh Con Ngài” (Rô-ma 8:29)
Làm thế nào chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt đáng hoan nghênh trong thế giới này? Câu trả lời là qua sự thánh khiết. Điều này gồm 2 phần, đó là tách biệt khỏi tội lỗi và trở nên thánh sạch về mặt đạo đức. Tự do khỏi tội lỗi không phải là cố gắng làm cho cuộc sống, cho tâm hồn mình trở nên trống rỗng. Một cuộc sống thoát khỏi sự cai trị của tội lỗi cũng phải tràn đầy sự tốt lành. Sự thánh khiết hiện diện trong tấm lòng, ý chí và tính cách trở nên tốt đẹp giống Chúa càng hơn. Khi chúng ta sống trong sự hiện diện của Chúa và cậy nhờ năng quyền của Ngài, sự thánh khiết sẽ phát triển.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con theo đuổi sự thánh khiết vì đó là ý muốn và mạng lệnh Ngài dành cho con. Con biết với sức riêng của mình, con không thể làm được điều này. Vậy nên con cầu xin Đức Thánh Linh là Đấng đang hiện diện trong con, xin ban năng quyền của Ngài cho con để sống trong Lời Chúa mỗi ngày và nhìn thấy sự thánh khiết phát triển trong cuộc đời con, khiến con trở nên giống như hình ảnh của Đấng Christ mỗi ngày càng hơn. Con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu Christ, Amen.
Quý thính giả thân mến, một cuộc đời thánh khiết sẽ tách biệt khỏi tội lỗi và đời sống sản sinh ra nhiều bông trái Thánh Linh. Hãy nhờ ơn Chúa từ bỏ những thói quen tội lỗi, sống cuộc đời theo Lời Chúa dạy.
Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:
Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199
Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.
Nguồn: https://oneway.vn/