Chúa ban cho con người lời nói để giao tiếp, sẻ chia và bày tỏ tình yêu thương. Thế nhưng, nếu không cẩn trọng, miệng lưỡi có thể trở thành công cụ gây tổn thương, phá vỡ các mối quan hệ và không làm sáng danh Chúa. Chúng ta có thể dễ dàng vô tình hay cố ý nói ra những lời khiến người khác tổn thương. Vì thế, việc học cách kiểm soát lời nói và sử dụng miệng lưỡi để tôn vinh Chúa là một phần quan trọng trong hành trình đức tin.
Hôm nay, ngày 01/04/2025, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Jonathan Santiago qua chủ đề KHÔN NGOAN TRONG LỜI NÓI.
“Tất cả chúng ta đều vấp phạm nhiều cách. Ai không vấp phạm trong lời nói, đó là người trọn vẹn, có thể kiềm chế được cả thân thể mình.” (Gia-cơ 3:2)
Có bao giờ bạn cảm thấy hối tiếc vì những lời nói của mình chưa?
Chắc chắn đã đôi lần chúng ta có những lời nói không hay với người xung quanh. Hãy cùng xem Lời Chúa trong sách Gia-cơ nói về cái lưỡi:
“Nếu chúng ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời thì chúng ta điều khiển được toàn thân chúng. Hãy nhìn những chiếc tàu: Dù chúng thật lớn và bị trôi giạt bởi gió mạnh, nhưng chỉ một bánh lái rất nhỏ cũng đủ điều khiển chúng theo ý người cầm lái. Cũng vậy, cái lưỡi là một bộ phận nhỏ nhưng khoe khoang những việc lớn.” (Gia-cơ 3:3-5)
Việc kiểm soát được con ngựa hay chiếc tàu là điều rất tốt, vì như thế ngựa sẽ vâng lời người cưỡi nó, chiếc thuyền đi theo ý người cầm lái. Cũng như thế, khi chúng ta kiểm soát được cái lưỡi – một bộ phận nhỏ nhưng có sức mạnh to lớn, thì chúng ta có thể trở thành những môn đồ kết quả của Đấng Christ. Một cái lưỡi được dạy dỗ và kính sợ Chúa sẽ phát ra những nói lời gây dựng và khích lệ người khác, đồng thời loại bỏ đi những lời nói không tin kính. Thật ích lợi biết bao cho một người có cái lưỡi được dạy dỗ, thế nhưng có một điều chúng ta cần suy xét khi Gia-cơ khẳng định rằng: “không ai chế ngự được cái lưỡi” vì nó “đầy dẫy những chất độc giết người” (Gia-cơ 3:8).
Nếu không ai có thể chế ngự được lưỡi mình, vậy hy vọng nằm ở đâu? Câu trả lời đó là nằm trong Chúa Cứu Thế Jêsus. Là môn đồ Ngài, chúng ta luôn có thể cầu xin Thánh Linh Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan và khiêm nhường trong lời ăn tiếng nói của mình.
Điều này không có nghĩa là Cơ Đốc nhân sẽ không bao giờ sai phạm trong lời nói của mình. Nhưng chúng ta phải nhờ ơn Chúa để kiểm soát môi miệng. Khi suy ngẫm những gì thư Gia-cơ nhắc đến, chúng ta được nhắc nhở phải kiềm chế cái lưỡi của mình và dùng nó để gây dựng người khác. Nhưng làm thế nào? Trong thư Gia-cơ, tác giả đã đưa ra giải pháp chỉ trong vài câu kế tiếp. Lời nói cay đắng xuất phát từ tấm lòng cay đắng, lời nói tranh cạnh xuất phát từ tấm lòng tranh cạnh. Động cơ của những lời nói này thường bắt nguồn từ tội lỗi và xác thịt, như Gia-cơ đã khẳng định:
“Nhưng nếu anh em ghen ghét một cách đắng cay và tranh cạnh trong lòng, thì chớ khoe khoang hay dùng lời dối trá chống lại chân lý. Sự khôn ngoan đó không đến từ thiên thượng, nhưng thuộc về thế gian, xác thịt và ma quỷ. Vì ở đâu có sự ghen ghét và tranh cạnh thì ở đó có sự xáo trộn và đủ mọi việc ác.” (Gia-cơ 3:14-16)
Lòng ghen ghét và tranh cạnh được nhắc đến hai lần trong phân đoạn này, nhấn mạnh mức độ nguy hại của chúng. Bất cứ điều gì xuất phát từ hai điều này đều không đến từ Đức Chúa Trời. Ngay cả khi chúng ta cầu nguyện hay chia sẻ Kinh Thánh với người khác, nếu động cơ của chúng ta bị chi phối bởi sự ghen ghét và tranh cạnh, thì điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta nhân danh Chúa để nói những điều đi ngược lại với lẽ thật.
Gia-cơ dùng những từ ngữ rất mạnh để mô tả sự khôn ngoan thuộc về đất. Đó là sự khôn ngoan thuộc về “xác thịt, thế gian và ma quỷ”.
Vậy nên, trước khi nói điều gì đó, chúng ta cần hỏi chính mình:
Điều tôi sắp nói có dựa trên sự ghen ghét không?
Tôi có đang tranh cạnh với người khác vì lợi ích riêng của mình không?
Nếu câu trả lời là có, chúng ta nên dừng lại và chậm nói. Gia-cơ đã đề cập rõ ràng giữa hai sự khôn ngoan: sự khôn ngoan của thế gian, xác thịt, ma quỷ và sự khôn ngoan thiên thượng – là sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời. Gia-cơ viết tiếp:
“Nhưng sự khôn ngoan từ thiên thượng thì trước hết là thanh sạch, rồi hiếu hòa, dịu dàng, nhường nhịn, đầy lòng thương xót và bông trái tốt lành, không chút thành kiến hay giả dối. Những người giải hòa thì gặt hái bông trái công chính đã gieo trong hòa bình.” (Gia-cơ 3:17-18)
Dựa trên Lời Chúa nói về sự khôn ngoan thiên thượng, trước khi nói điều gì, chúng ta có thể tự xét lòng qua những câu hỏi sau:
Điều tôi sắp nói có thanh sạch không (hay có sự ô uế, dối trá trong đó)?
Lời tôi nói có mang lại sự hoà thuận không?
Lời tôi nói có dịu dàng không?
Lời tôi nói có nhường nhịn không?
Lời tôi nói có đầy lòng thương xót và bông trái tốt lành không?
Lời tôi nói có thành kiến hay giả hình không?
Nhờ Lời Chúa, chúng ta học được cách nói những lời nói tin kính. Để làm được điều đó, trước hết, chúng ta cần xét tấm lòng mình – động cơ phía sau những gì chúng ta sắp nói – liệu có sự ghen ghét hay tranh cạnh không. Sau đó, chúng ta cầu xin Chúa ban cho sự khôn ngoan thiên thượng, để lời nói của chúng ta có thể gây dựng người khác và kết quả trong sự công chính.
“Tất cả chúng ta đều vấp phạm nhiều cách. Ai không vấp phạm trong lời nói, đó là người trọn vẹn, có thể kiềm chế được cả thân thể mình.” (Gia-cơ 3:2)
Cầu nguyện: Chúa ôi, xin Chúa tha thứ cho con vì lắm khi con làm tổn thương người khác qua lời nói của mình. Xin Chúa tha thứ những khi con thừa thiếu đi tình yêu thương và ân hậu trong lời nói và thiếu đi sự khôn ngoan từ Ngài. Xin Chúa giúp con biết tôn vinh Ngài qua những lời nói của con, tập tành nói những lời lành, lời ân hậu thể hiện tình yêu thương đối với anh em con như điều Chúa muốn. Nguyện môi miệng con dâng lên Chúa những bông trái tốt lành, đẹp lòng Ngài. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.
Quý thính giả thân mến, hôm nay là ngày mà người ta có thể trêu đùa nhau bằng những lời nói không chân thật và coi đó như một trò vui. Nhưng với chúng ta, là con cái của Đức Chúa Trời – Đấng Chân Thật, nguyện xin Chúa gìn giữ môi miệng của chúng ta để mọi lời nói ra từ môi miệng chúng ta trong hôm nay và cả những ngày sau đều được đẹp lòng Chúa. Và nếu bạn nhận thấy rằng thời gian gần đây lời nói của mình thiếu đi ân hậu và tình yêu thương, hãy dành chút thời gian để suy ngẫm về mối quan hệ của bạn với Chúa. Liệu bạn có đang duy trì sự gần gũi với Ngài hay không? Càng gần Chúa, chúng ta càng không thể phát ra lời nói cay đắng. Nhờ vào Lời Chúa soi sáng, chúng ta biết rằng ngôn từ không chỉ dùng để giao tiếp, mà còn là tấm gương phản chiếu đời sống thuộc linh và sự khôn ngoan trong mỗi người. Khi đến với Hội Thánh Chúa, trong ban ngành, nhóm nhỏ, gia đình, nơi làm việc… Nguyện Lời Chúa dẫn dắt để chúng ta biết cách sử dụng lời nói mang đến sự gây dựng, khích lệ lẫn nhau, thay vì để chúng trở thành công cụ gây chia rẽ hay tổn thương.
Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:
Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199
Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.
Nguồn: https://oneway.vn/