Cầu nguyện được ví như hơi thở của Cơ Đốc nhân. Chúng ta phải hiểu tầm quan trọng của việc cầu nguyện, bởi vì nếu không cầu nguyện, chúng ta sẽ không thể thành công trong những sứ mệnh mà Chúa đã giao. Vậy chúng ta nên cầu nguyện như thế nào?

Hôm nay, ngày 11/04/2023, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả GORDON ROBERTSON qua chủ đề KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN.

“Vậy, Ta bảo các con: Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ, cửa sẽ mở cho các con. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và ai gõ thì cửa sẽ được mở” (Lu-ca 11:9-10)

Trong Lu-ca 11, Chúa Jêsus dạy các môn đồ của Ngài cầu nguyện, bắt đầu với câu “Lạy Cha!” Ngài tiếp tục kể dụ ngôn về một người gõ cửa nhà bạn mình lúc nửa đêm để xin bánh. Mặc dù người bạn trả lời rằng cả gia đình anh ấy đang ngủ, nhưng Chúa Jêsus nói tiếp trong câu 8:

“Dù người ấy không vì tình bạn mà dậy lấy bánh cho, nhưng vì người bạn cứ nài nỉ mãi nên người ấy sẽ trỗi dậy và cho người bạn đủ sự cần dùng.”

Chúa Jêsus dùng điều này để bày tỏ rằng chúng ta không thể chỉ dựa vào tình bạn – mối quan hệ yêu thương của chúng ta với Đức Chúa Trời; mà chúng ta còn phải kiên trì cầu nguyện. Vì sau đó, Ngài đưa ra lời hứa vĩ đại trong câu 9-10:

“Vậy, Ta bảo các con: Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ, cửa sẽ mở cho các con. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và ai gõ thì cửa sẽ được mở.”

Mối liên hệ giữa dụ ngôn và lời hứa này chính là sự kiên trì. Vì vậy, chúng ta nên tự hỏi mình, liệu chúng ta đang cầu nguyện qua loa hay kiên trì?

Nhiều năm trước, tôi đã gặp một nhà truyền giáo nổi tiếng trong một hội nghị. Lúc đó tôi khoảng 10 tuổi, đang chạy quanh sân khấu, nhìn thấy nhà truyền giáo đang đắm chìm trong sự cầu nguyện, tha thiết cầu xin Đức Chúa Trời ban Thánh Linh đến trong quyền năng và sự xức dầu. Cảnh tượng đó để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tôi. Đó là một nhà truyền giáo nổi tiếng hàng đầu nước Mỹ, không hề cầu nguyện cho có lệ nhưng thực sự là đắm chìm trong đó.

Trong các bức thư của Sứ đồ Phao-lô, chúng ta thấy ông hiểu rõ tầm quan trọng của việc kiên trì cầu nguyện. Ông viết thư cho Hội Thánh Rô-ma:

“Thưa anh em, vì Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ và vì tình yêu thương bởi Thánh Linh, tôi nài xin anh em hãy cùng tôi chiến đấu trong lời cầu nguyện mà anh em vì tôi trình dâng lên Đức Chúa Trời” (Rô-ma 15:30)

Ông không chỉ đơn giản nói: “Xin hãy cầu nguyện” – ông nói rằng: “Tôi nài xin anh em trong Chúa Jêsus. Tôi nài xin anh em trong Thánh Linh. Xin hãy cố gắng cùng tôi chiến đấu trong lời cầu nguyện trình dâng lên Đức Chúa Trời.”

Phao-lô đang hướng về Giê-ru-sa-lem, nơi ông đã được báo trước rằng ông sẽ bị bắt. Vì vậy ông nài xin mọi người cầu nguyện:

“Để tôi được thoát khỏi những kẻ vô tín trong xứ Giu-đê, và chức vụ của tôi khi đến Giê-ru-sa-lem sẽ được các thánh đồ chấp nhận. Như thế, nếu đẹp ý Đức Chúa Trời, tôi có thể vui mừng đến với anh em và cùng được nghỉ ngơi với anh em” (Rô-ma 15:31-32)

Mặc dù Phao-lô biết rằng khó khăn lớn đang ở phía trước, nhưng ông nói: “Hãy cầu nguyện cho tôi, vì tôi sẽ ở cùng anh em đến cuối con đường”.

Thật vậy, cuộc hành trình của Phao-lô đã đưa ông đến Rô-ma – và nhà tù. Ở đó, ông viết về khí giới của Đức Chúa Trời, bao gồm “mũ của sự cứu rỗi” và “giày bằng sự sẵn sàng của Tin Lành bình an”. Và ông kết luận bằng cách giải thích những việc cần làm khi mặc lấy khí giới ấy:

“Hãy thường xuyên dùng mọi lời khẩn nguyện, nài xin, mà cầu nguyện trong Thánh Linh. Để đạt mục tiêu nầy, hãy kiên trì, tỉnh thức, và cầu nguyện cho tất cả các thánh đồ. Cũng xin cầu nguyện cho tôi, để khi tôi mở miệng, Chúa cho tôi sứ điệp, và tôi dạn dĩ công bố sự mầu nhiệm của Tin Lành; vì Tin Lành ấy, tôi là sứ giả trong xiềng xích. Xin hãy cầu nguyện để tôi có thể dạn dĩ công bố Tin Lành ấy như tôi phải nói” (Ê-phê-sô 6:18-20)

Khí giới giúp bảo vệ sự sống, đồng thời cũng trang bị đặc biệt để chúng ta cầu nguyện. Khi mặc lấy khí giới đầy đủ, chúng ta cũng cầu nguyện không thôi với tất cả những lời nài xin trong Thánh Linh.

Phao-lô đang bị xiềng xích và sắp bị xét xử. Hầu hết các học giả tin rằng ông bị giam giữ tại nhà tù Mamertine, là một cái hố sâu dưới mặt đất. Trong tình cảnh ấy, ông vẫn nài xin mọi người cầu nguyện để ông mạnh dạn rao giảng Tin Lành.

Cũng tại chính nhà tù đó, Phao-lô đã viết thư Cô-lô-se 4:2-4,

“Hãy thành tâm cầu nguyện, phải tỉnh thức trong lúc cầu nguyện và tạ ơn. Cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi, xin Đức Chúa Trời mở cửa cho chúng tôi rao giảng lời Ngài, công bố sự mầu nhiệm của Đấng Christ. Chính vì sự mầu nhiệm đó mà tôi bị xiềng xích. Cũng xin cầu nguyện để tôi có thể bày tỏ rõ ràng điều tôi phải nói.”

Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong tù, với lối mở duy nhất là một cái lỗ trên trần, và bạn cầu nguyện: “Chúa ơi, xin mở cửa cho con rao giảng”.

Bây giờ, hãy nhìn xem vị thế của chúng ta trong thời đại ngày nay. Chúng ta có đầy đủ điều kiện để dạn dĩ rao giảng Phúc Âm cho mọi dân tộc, mọi quốc gia và mọi ngôn ngữ. Chúng ta có mọi thứ – khả năng, phương tiện và sự tự do. Tuy nhiên, liệu chúng ta có đang cầu nguyện cho sứ mệnh với cùng một tâm tình tha thiết như Phao-lô không? Chúng ta có liên tục tìm kiếm cánh cửa rộng mở đó không?

Gần cuối thư gửi tín hữu Cô-lô-se, Phao-lô viết:

“Ê-pháp-ra … chào thăm anh em; anh ấy còn vì anh em chiến đấu trong sự cầu nguyện, để anh em trở nên trọn vẹn và hoàn thành mọi ý muốn của Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 4:12)

Nguyện rằng đó cũng là lời cầu nguyện của chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Cha kính yêu, xin ban cho con một tâm tình cầu nguyện tha thiết, kiên trì, để rồi Ngài sẽ lắng nghe và đáp lời con. Xin giúp con biết nài xin Chúa mở lối trong mọi khía cạnh lớn nhỏ của cuộc sống, để có thể hoàn thành sứ mệnh mà Ngài đã đặt để trên đời sống con. Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jêsus Christ, Amen.

Quý thính giả thân mến, chúng ta biết ý muốn Chúa dành cho chúng ta là rao giảng Tin Lành, vì vậy hãy tận dụng mọi cơ hội, hãy nỗ lực để đứng vững và trở nên trọn vẹn trong ý muốn ấy. Và để làm được điều ấy cách mạnh mẽ, chúng ta phải kiên trì cầu nguyện, nài xin Chúa ban năng quyền để hoàn thành mọi mục đích Ngài dành cho cuộc đời chúng ta.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.


Nguồn: https://oneway.vn/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here