Bạn đã bao giờ cảm thấy khó lòng mà yêu thương một ai đó chưa? Có những người rất dễ mến – họ tốt bụng, chân thành, và đối xử tử tế với chúng ta. Nhưng cũng có những người làm chúng ta tổn thương, những người từng phạm phải sai lầm lớn trong quá khứ, hay đơn giản là những người mà chúng ta không thể đồng cảm được. Ừ thì họ cũng đáng được yêu thương đấy, nhưng chỉ đến một mức độ nào đó thôi! Nhưng liệu đó có phải là kiểu tình yêu mà Chúa kêu gọi chúng ta bày tỏ với người khác không? Nếu chúng ta cứ tiếp tục “phân loại yêu thương”, thì liệu chúng ta có đang tỏa sáng danh Chúa giữa thế gian tăm tối này không?

Hôm nay, ngày 09/04/2025, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Jonathan Santiago qua chủ đề KINH NGẠC TRƯỚC TÌNH YÊU DIỆU KỲ.

“Nếu các con yêu mến những ai yêu mến mình, thì có ơn nghĩa gì đâu? Ngay cả kẻ tội lỗi cũng yêu mến những ai yêu mến họ. ” (Lu-ca 6:32)

Vào thời Đức Chúa Jêsus, người Do Thái coi người Sa-ma-ri là dân tộc lai căng đáng khinh miệt. Họ tránh giao tiếp với người Sa-ma-ri, thậm chí còn đi vòng đường xa chỉ để khỏi phải đặt chân vào lãnh thổ Sa-ma-ri.

Thế nhưng, Đức Chúa Jêsus đã làm một điều khiến ai nấy đều kinh ngạc. Không chỉ đi qua Sa-ma-ri, Ngài còn dừng lại ở đó và trò chuyện với một người chẳng ai muốn quan tâm đến:

“Người phụ nữ Sa-ma-ri nói: “Sao ông là một người Do Thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho uống nước?” (Vì người Do Thái vốn không giao tiếp với người Sa-ma-ri.)

… Lúc ấy, các môn đồ đến. Họ kinh ngạc khi thấy Ngài nói chuyện với một phụ nữ; nhưng không một ai hỏi: “Thầy cần gì?” hay là: “Sao Thầy nói chuyện với phụ nữ nầy?” (Giăng 4:9, 27)

Khi nghe đến điều răn “Hãy yêu người lân cận như chính mình”, có bao giờ bạn muốn thêm thắt một “chú thích” nhỏ vào đó chưa? Tất nhiên, chúng ta phải yêu thương người khác, nhưng… nếu họ là một kẻ lừa dối trong hôn nhân, thì có lẽ họ chỉ đáng nhận được một ít yêu thương, và đương nhiên là không có sự tin tưởng ở đây rồi! Nếu họ cư xử thô lỗ, có lẽ Chúa sẽ tìm một ai đó rộng lượng hơn để yêu thương họ thay bạn. Nếu họ dùng lời lẽ cay nghiệt mà tấn công gia đình bạn, thì một chút đáp trả cũng đâu có gì sai! Nếu họ bất đồng với bạn về quan điểm thần học, bạn hoàn toàn có thể giữ khoảng cách với họ trong công tác mục vụ. Và nếu họ có quan điểm chính trị trái ngược, bạn vẫn có thể mỉm cười với họ trong nhà thờ, nhưng ngoài đời thì khó lòng mà làm được.

Những suy nghĩ này có quen thuộc với bạn không? Chúng ta dễ dàng đặt ra giới hạn cho tình yêu thương của mình, vạch ra ranh giới giữa những người “xứng đáng” và “không xứng đáng.” Nhưng liệu đó có phải là tình yêu mà Cứu Chúa Jêsus đã bày tỏ?

Sứ đồ Giăng thuật lại rằng Đức Chúa Jêsus chủ ý đi qua xứ Sa-ma-ri (Giăng 4:3-42). Vào thời đó, người Do Thái thường không giao thiệp với người Sa-ma-ri. Một số người thậm chí còn coi thường họ hơn cả dân ngoại, vì người Sa-ma-ri bị xem là “lai tạp”, đức tin của họ bị coi là sai lệch so với truyền thống Do Thái.

Tại đây, trong khi các môn đồ của Ngài đi tìm thức ăn, thì Đức Chúa Jêsus gặp một người phụ nữ đang lấy nước. Phụ nữ thường lấy nước vào sáng sớm khi trời còn mát, nhưng người này lại đến vào buổi trưa, và đến một mình. Chúng ta không biết nhiều về bà ấy, ngoài việc bà đã trải qua năm đời chồng, và người đàn ông đang chung sống hiện tại không phải là chồng bà. Có phải vì vậy mà bà chọn tránh đi vào buổi sáng? Thà đứng dưới cái nắng trưa gay gắt còn hơn chịu đựng ánh mắt dò xét của những người khác? Có lẽ vậy.

Đức Chúa Jêsus chủ động bắt chuyện với bà. Việc đi qua xứ Sa-ma-ri đã đủ để gây tranh cãi rồi, nhưng giờ đây, Ngài còn ngồi một mình với một người phụ nữ Sa-ma-ri đầy tai tiếng, thậm chí còn uống nước từ chính chiếc bình của bà ngay tại giếng nước công cộng. Đối với một Rabbi, là thầy giảng đạo của người Do Thái, đây là điều không thể chấp nhận, một hành động vượt xa mọi chuẩn mực xã hội và tôn giáo thời bấy giờ.

Người phụ nữ ngạc nhiên: “Tại sao một người Do Thái như ông ấy lại bắt chuyện với một người nữ Sa-ma-ri như mình, vào lúc giữa trưa thế này?”

Các môn đồ trở về cũng sửng sốt không kém: “Sao Thầy lại nói chuyện với một phụ nữ Sa-ma-ri như vậy? Mà cho dù vào thời điểm nào thì điều này cũng không hợp lẽ!”

Dù khác biệt về văn hóa và tôn giáo, cả hai phía đều có chung một suy nghĩ: “Đức Chúa Jêsus đang hành động vượt ngoài mọi khuôn khổ mà chúng ta mong đợi ở một người Do Thái sùng đạo.”

Các môn đồ không xa lạ gì với lời dạy về tình yêu thương. Họ hẳn đã biết rõ mệnh lệnh của Đức Chúa Trời:

“Hãy yêu thương người lân cận như chính mình. Ta là Đức Giê-hô-va.” (Lê-vi Ký 19:18)

Nhưng cách mà Đức Chúa Jêsus thể hiện tình yêu thương đã phơi bày một sự thật phũ phàng: đôi khi, chúng ta nhìn nhận tình yêu theo cách quá nông cạn, hẹp hòi.

Ngài bày tỏ tình yêu thương trong hoàn cảnh chẳng dễ dàng. Một tình yêu thương không tính toán thiệt hơn, không mong đáp trả. Tình yêu thương ấy chủ động tìm đến những người bị xã hội gạt bỏ, bị tôn giáo coi là không xứng đáng như trong câu chuyện Kinh Thánh đã thuật lại cho chúng ta.

Và chúng ta kinh ngạc. Kinh ngạc vì đây không phải kiểu tình yêu thương của thế gian – mà đây là một tình yêu thương vượt lên trên mọi lẽ thường, tình yêu thương ấy dành cho cả những người không xứng đáng, và nhiều khi còn chẳng hề được đáp lại.

Nhưng đó cũng chính là điều khiến tình yêu thương Cơ Đốc nổi bật giữa tình yêu thế gian:

“Nếu các con yêu mến những ai yêu mến mình, thì có ơn nghĩa gì đâu? Ngay cả kẻ tội lỗi cũng yêu mến những ai yêu mến họ. Nếu các con làm ơn cho người làm ơn cho mình, thì có ơn nghĩa gì? Ngay cả kẻ tội lỗi cũng làm như vậy.” (Lu-ca 6:32-33)

Cầu nguyện: Chúa ôi! Con cảm tạ Chúa vì tình yêu Ngài đã ban cho con, một tình yêu vô điều kiện và không mong đáp trả. Tình yêu ấy đã tìm và cứu con khi con không hề xứng đáng. Xin Ngài rộng mở tấm lòng con, để con cũng can đảm yêu như Ngài đã yêu, dù cho tình yêu ấy không hề dễ dàng hay thuận tiện. Xin giúp con nhìn thấy những cơ hội để bày tỏ tình yêu Ngài, hầu cho thế gian nhìn thấy và kinh ngạc trước công việc kỳ diệu của Ngài trong cuộc đời con. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.

Quý thính giả thân mến, càng học biết về tình yêu Chúa qua lời Kinh Thánh, chúng ta càng kinh ngạc trước sự lớn lao, diệu kỳ của tình yêu Ngài. Từ những người được Chúa yêu, trong cuộc đời này, Chúa sẽ trao cho chúng ta những cơ hội để yêu thương người khác. Đó là khi chúng ta đến gần những người bị xã hội từ chối, lấy lòng trắc ẩn đáp lại sự thù ghét, là khi chúng ta trao đi mà không mong nhận lại. Hôm nay và mỗi ngày sau nữa, hãy hết lòng tìm kiếm những cơ hội ấy. Có lẽ cơ hội sẽ không đến trong những hình hài đẹp đẽ, mà nhiều khi sẽ là những rào cản, những tình huống khó xử, khiến chúng ta cảm thấy vô cùng bất tiện. Nhưng chính kiểu tình yêu vượt lên trên lẽ thường như thế sẽ khiến thế gian kinh ngạc, khi họ được chiêm ngưỡng sự hiện diện vinh quang của Đức Chúa Trời trong cuộc đời chúng ta.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.


Nguồn: https://oneway.vn/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here