Những ngày giãn cách xã hội do dịch Covid-19 đã làm nhiều người trong chúng ta bị mắc kẹt ở nhà, không thể đến nhà thờ để tập trung thờ phượng Chúa. Vậy khi những quy định giãn cách được nới lỏng, bạn có khao khát đến với những buổi nhóm hay không? Bị mắc kẹt ở nhà là điều bất khả kháng, nhưng đừng để điều gì giam cầm tình yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân của chúng ta.

Hôm nay, ngày 28/03/2022, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Emily Pippin qua chủ đề MẮC KẸT Ở NHÀ

“Linh hồn con mòn mỏi vì mong ước sự cứu rỗi của Chúa; con hi vọng nơi lời Ngài.” (Thi Thiên 119:81)

Đó là năm 1963, giữa một trong những trận bão tuyết lớn nhất ở thành phố Boston và là thời điểm diễn ra buổi cầu nguyện tối thứ Tư. Vì không thể đi lại bên ngoài nên chúng tôi đành phải ở nhà và quyết định tự mình tổ chức buổi nhóm trong ngôi nhà an toàn ấm áp của mình.

“Chúng ta không thể lái xe chầm chậm đến nhà thờ được sao mẹ? Con muốn gặp bạn bè, muốn nghe Mục sư Starr giảng, và muốn biết xem mình nên cầu nguyện cho ai”, cậu con trai 6 tuổi Donnie của tôi than vãn.

Donnie rất thích thời gian cầu nguyện ở nhà thờ. Khi những người phụ nữ đi vào phòng dành cho nhóm phụ nữ, người nam vào phòng dành cho nhóm nam, con trai tôi và bạn của nó là Chuckie phải tham gia vào nhóm nam với những người lớn và điều ấn tượng là chúng tham gia một cách rất nghiêm túc.

Trước câu hỏi của con, tôi phải ân cần giải thích, “Không được con à. Đi ra ngoài trong hoàn cảnh này thật quá nguy hiểm. Ngay cả sở cảnh sát cũng yêu cầu tất cả mọi người không được ra đường trừ khi có chuyện khẩn cấp. Chỉ những ai ở gần nhà thờ mới có thể đến đó được thôi”.

Chúng tôi biết không điều gì có thể ngăn cản Mục sư của mình tổ chức buổi nhóm cầu nguyện. Nơi ở của Mục sư cách nhà thờ khoảng 3km và thường thì sẽ có một người dùng chiếc xe có thể di chuyển trong tuyết đến để đón ông.

Quay trở lại buổi nhóm riêng của mình, chúng tôi có giờ hát ngợi khen Chúa, đọc Kinh Thánh, thảo luận về ý nghĩa của phần Kinh Thánh đó và những gì mình có thể áp dụng. Vừa kết thúc, Donnie chạy vào phòng ngủ, tựa vào bộ tản nhiệt ở cửa sổ lối phía trước, nhìn ra những đống tuyết chồng chất, thằng bé hào hứng hỏi: “Mẹ có nghĩ buổi nhóm cầu nguyện ở nhà thờ đã kết thúc hay chưa?”

“Chắc là vậy,” tôi trả lời.

“Mẹ có nghĩ là Mục sư đã đi về nhà của ông chưa?”

“Chắc là vậy”.

“Mẹ, liệu con có thể gọi cho Mục sư để hỏi thăm xem tối nay như thế nào, có ai cầu nguyện tin Chúa Giê-xu hay không?”

“Được, con trai! Mẹ nghĩ là Mục sư sẽ rất vui khi biết rằng con đang nhớ đến những người có thể đến được nhà thờ và tham gia buổi nhóm.”

Donnie đã gọi điện thoại và thật ngoài sức tưởng tượng của tôi, trong buổi tối đầy tuyết hôm đó, trong chương trình cầu nguyện chỉ với một số ít người, vậy mà có một người đã tin nhận Chúa.

Donnie đã rất vui mừng và nhảy cẫng lên khi kể cho chúng tôi nghe về cuộc trò chuyện qua điện thoại, “Mẹ ơi, một người nào đó không biết Chúa đã ra ngoài trong cơn bão tuyết kinh khủng tối nay và được làm chứng rằng Chúa Giê-xu yêu và chết vì anh ta. Thật tuyệt vời quá phải không ạ?”

Thi Thiên 119:81 chép, “Linh hồn con mòn mỏi vì mong ước sự cứu rỗi của Chúa; con hi vọng nơi lời Ngài.”

Donnie và cả ba đứa con còn lại của chúng tôi đều có một khao khát là những người chưa biết Chúa sẽ biết Ngài và được cứu. Chúng cưu mang cho những người hư mất, chúng cầu nguyện cho bạn bè và những người hàng xóm không biết Chúa, và vui mừng khi nghe nói hoặc chứng kiến ​​một người nào đó trở nên thành viên trong gia đình của Chúa.

Là những Cơ Đốc nhân, chúng ta cần phải mạnh dạn chia sẻ đức tin của mình với người khác. Đây là thời điểm để bày tỏ một cách thẳng thắn, không ngần ngại, về Đức Chúa Trời vĩ đại của chúng ta và sự cứu rỗi mà Ngài đã ban qua Con Ngài là Chúa Giê-xu.

Mục sư của chúng tôi vừa hoàn thành một tuyển tập các bài học về Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào theo Kinh Thánh:

Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương, Ngài khao khát những người chưa được cứu có thể đến với Ngài.
Đức Chúa Trời là Đấng nhân từ, ban cho chúng ta sự sống đời đời với Ngài.
Đức Chúa Trời là Đấng giàu lòng thương xót, bảo đảm với chúng ta rằng Ngài đã tha thứ tội lỗi của chúng ta và không còn nhớ đến chúng nữa. “Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài cũng cất sự vi phạm chúng ta cách xa chúng ta bấy nhiêu.” (Thi Thiên 103:12).

Chúng ta có thể chia sẻ sứ điệp “Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào” và phát triển một tấm lòng vui mừng khi nghe tin về ai đó được cứu, gia nhập vào Hội Thánh Chúa, trở nên người đồng kế tự trong Đấng Christ.

Có lẽ bạn không bị mắc kẹt ở nhà vì cơn bão tuyết. Cũng có thể nơi bạn đang ở chẳng hề có tuyết. Nhưng đừng một ai trong chúng ta bị mắc kẹt đến nổi không thể chia sẻ tình yêu thương của Đức Chúa Trời và niềm vui mừng trong mối quan hệ mà chúng ta có với Đức Chúa Cha qua Thánh Linh Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm mới lại trong con tấm lòng khao khát Ngài, luôn vui mừng trong mối liên hệ với Chúa và sốt sắng bày tỏ tình yêu thương của Ngài để giúp những người hư mất nhận được ơn cứu rỗi. Con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu Christ, Amen.

Quý thính giả thân mến, trong thời gian gần đây, bạn đang khao khát được nhóm lại thờ phượng Chúa với Hội Thánh như thế nào? Bạn có quan tâm đến việc những người hư mất được nghe về Phúc Âm và tin nhận Chúa? Nếu trong những ngày qua bạn đang nguội lạnh và có phần thờ ơ, hôm nay hãy đến với Chúa và làm mới lại tấm lòng khao khát cùng sự kết ước của mình cho Chúa.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199
Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.

Nguồn: https://oneway.vn/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here