Nếu ví mỗi người như một chiếc bình, thì chắc chắn chúng ta sẽ giống nhau ở hai điểm: một là chiếc bình nào cũng có vẻ đẹp riêng, và hai là chiếc bình nào cũng có vết nứt. Không có chiếc bình nào hoàn hảo cả, ai cũng từng trải qua nhiều tan vỡ và tổn thương. Nhưng Chúa đã đến để thu thập những mảnh vỡ và phục hồi chúng ta thành những chiếc bình hoàn chỉnh, xinh đẹp, được Ngài yêu thương và trân quý.

Hôm nay, ngày 13/03/2024, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Gene Markland qua chủ đề NHÀ SƯU TẦM NHỮNG CHIẾC BÌNH VỠ.

“Con giống như cái bình bể nát.” (Thi Thiên 31:12)

Indiana Jones là nhân vật điện ảnh mà tôi yêu thích nhất. Tôi mê mẩn những chuyến phiêu lưu của ông, khi ông đi săn lùng những báu vật của các nền văn minh cổ đại.

Ở ngoài đời thực thì các nhà khảo cổ đôi khi phải mất nhiều năm mới tìm được những mảnh gốm vụn rải rác. Họ ghép từng mảnh một lại với nhau, cực kỳ tỉ mỉ. Đôi khi họ có thể khôi phục lại món đồ gốm ấy về hình dạng ban đầu.

Món đồ gốm lúc ấy sẽ trông như mới, ngoại trừ những vết nứt là dấu tích của thời gian. Sau khi được khôi phục, tác phẩm đủ chất lượng thường được đưa vào bảo tàng, chiếu sáng bằng ánh sáng đặc biệt và trưng bày trên bệ cao để mọi người cùng ngắm nhìn, thưởng thức.

Nhưng cũng có các nhà sưu tầm thích thu thập những báu vật ấy. Một đêm nọ trong giấc ngủ sâu, tôi mơ thấy một giấc mơ lạ kỳ: tôi bước vào một tòa nhà lớn hầu như trống không, rồi men theo hành lang trải thảm lờ mờ để đến một căn phòng lớn. Căn phòng tối om, nhưng có ánh sáng ở khu vực bên trái, nên tôi đi đến đó.

Trước mặt tôi là một bức tường lớn được sơn bằng những nét cọ xoáy, khiến nó trông như một tác phẩm nghệ thuật. Phía trước bức tường là một dãy bệ kính sáng lóa, chễm trệ trên mỗi bệ là một chiếc bình gốm. Giống như một căn phòng trong viện bảo tàng. Mỗi chiếc bình đều được chiếu sáng, và tôi có thể nhìn rõ mọi mặt của nó.

Khi đến gần để xem kỹ hơn, tôi nhận thấy hai điều. Thứ nhất, mỗi chiếc bình đều rất đẹp và độc đáo theo cách riêng của mình; thứ hai, chiếc nào cũng có vết nứt. Có những chiếc nứt một hai vết lớn, cũng có những chiếc chi chít những vết nứt như mạng nhện. Nhưng rõ ràng là tất cả đều đã được khôi phục tỉ mỉ và trưng bày ở một nơi danh dự.

Tôi quan sát kỹ chiếc bình đầu tiên bên trái. Nó được làm bằng đất nung đơn giản, không có hình trang trí. Có một vết nứt lớn từ trên xuống dưới, nhưng bằng cách nào đó đã được sửa chữa hoàn hảo. Tuy nhiên, vẫn có thể nhìn thấy rõ vết nứt ấy.

Tiếp theo là một chiếc bình lớn được trang trí công phu, vẽ lại những trận chiến oanh liệt. Chiếc bình gốm sứ hoàng gia màu xanh lam có nhiều khiếm khuyết, nhưng đã được khôi phục tỉ mỉ.

Rồi đến một chiếc bình cổ điển xinh đẹp, cao và mảnh, được trang trí hình những chiếc lá màu xanh và vàng. Mặc dù đã được khôi phục nhưng vẫn có một vết nứt lớn hình xoắn ốc từ trên xuống dưới. Đó dường như là chiếc bình của một học giả.

Sau đó nữa là một chiếc mình ngắn rộng, khắc hình ảnh biển và những đàn cá. Bên ngoài trông bình thường nhưng bên trong có một vết nứt lớn, đã được sửa chữa và gia cố một cách cẩn thận để khôi phục lại tình trạng hoàn hảo.

Chiếc bình cuối cùng thoạt nhìn trông có vẻ bình thường, nhưng khi quan sát kỹ hơn thì có thể thấy nó từng bị vỡ và được ghép lại nhiều lần. Dường như ngay cả những mảnh vỡ cũng bị vỡ thêm lần nữa. Tuy nhiên, chiếc bình đã được khôi phục lại và gia cố một cách khéo léo.

Tôi lùi lại và ngẫm nghĩ, tự hỏi về ý nghĩa của những hiện vật này, thì bỗng có một giọng nói vang lên từ phía sau: “Anh có muốn biết ý nghĩa của những chiếc bình đó không?” Tôi vẫn đứng khoanh tay và không quay lại. Cho rằng đó là chủ sở hữu của những chiếc bình, tôi trả lời: “Vâng thưa ngài, xin hãy nói cho tôi biết.”

“Hãy nhìn kỹ tấm bảng trên bệ đầu tiên” – Người nói. Bước tới đó, tôi cúi xuống và đọc thấy: “A-đam.”

“A-đam?” Tôi hỏi lại.

“Đúng.” Người ấy trả lời. “A-đam có một khuyết điểm lớn khiến Ta phải trả giá rất cao. Nhưng cái giá phải trả là cái giá mà Ta rất sẵn lòng để trả.”

Rồi Người bảo tôi xem tấm bảng tiếp theo. Trên đó có ghi “Đa-vít.”

Người nói: “Vâng, một vị vua có nhiều khuyết điểm, nhưng đó là một chiếc bình rất đẹp. Anh có đồng ý không?”

“Vâng” tôi đáp.

Người nói nhẹ nhàng: “Đây là chiếc bình được ta trân quý.”

Chiếc bình mang đậm nét cổ điển tiếp theo, được trang trí những chiếc lá màu xanh và vàng, có tấm bảng ghi là “Phao-lô”.

“Phao-lô, Phao-lô” – Giọng nói ấy vang lên – “một con người đầy học thức, tinh khôn và uy lực. Vết nứt xoắn ốc này khiến chiếc bình yếu đi rất nhiều, nhưng ân điển của Ta là đủ.”

Chiếc bình ngắn rộng khắc hình đại dương được đặt một tấm bảng ghi: “Phi-e-rơ”.

Người nói: “Chiếc bình này lớn, chắc và có khả năng chứa được nhiều thứ, nhưng lại bị hư hại nghiêm trọng từ bên trong. Ta phải giữ nó lại một thời gian cho đến khi hoàn tất việc sửa chữa. Nó đã trở thành một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của Ta. Còn bây giờ, hãy nhìn kỹ vào chiếc bình tiếp theo.

Tôi cúi xuống đọc tấm biển trên chiếc bình đã nhiều lần vỡ vụn, và nhìn thấy tên mình. Nước mắt tôi chực trào khi nhớ về những nỗi đau đã làm tôi vụn vỡ tan nát, những vết thương thời thơ ấu vì sự tan vỡ trong gia đình.

“Con giống như cái bình bể nát.” (Thi Thiên 31:12)

Tôi quay mặt về phía người sưu tầm những chiếc bình nứt, và nhìn thấy Chúa! Đôi mắt Ngài sâu thẳm tựa đại dương, và nụ cười của Ngài ấm áp vô cùng. Tôi sà vào vòng tay năng quyền của Ngài và nói: “Cảm ơn Cha đã hàn gắn những mảnh vỡ của cuộc đời con”. Tình yêu thương và sự phục hồi của Ngài âm thầm tuôn chảy trong tôi.

Ngài bước tới và cầm chiếc bình A-đam lên. “Này con trai, từ chiếc bình đầu tiên là A-đam, mọi chiếc bình sau đó đều không hoàn hảo, đều có vết nứt.”

Ngài đi qua từng bệ kính, nâng nhẹ, vuốt ve từng chiếc bình. Rồi Ngài để chúng lại trên bệ, để ánh sáng làm nổi bật vẻ đẹp riêng của chúng.

Ngài nói tiếp: “Ta đã ban Con Một của Ta là Chúa Jêsus đến chuộc lấy những chiếc bình vỡ và mang những mảnh vụn ấy đến cho Ta. Và con ơi, con hãy nhớ, chỉ khi ta hàn gắn những vết nứt, thì những chiếc bình ấy mới có ích lợi.”

Ngài vỗ nhẹ vai tôi và mỉm cười khi đi ngang qua tôi, hướng về phía bóng tối của căn phòng. Khi Ngài bước tới, ánh sáng bừng lên, và tôi ngạc nhiên khi thấy căn phòng vô cùng rộng lớn. Cảnh tượng dường như trải dài đến tận chân trời. Mắt tôi nhanh chóng tìm kiếm Cha và tôi thấy Ngài đang bước đi, ở phía xa xa … giữa vô vàn những chiếc bình nứt đã được Ngài cứu chuộc, một bộ sưu tập khổng lồ mà không ai có thể đếm hết.

“Thế nhưng, lạy Đức Giê-hô-va, bây giờ Ngài là Cha chúng con; Chúng con là đất sét, Ngài là thợ gốm; Tất cả chúng con là công việc của tay Ngài.” (Ê-sai 64:8)

Cầu nguyện: Chúa ôi, con là một chiếc bình vỡ nát! Cảm ơn Ngài vì đã tìm kiếm con, tha thứ con và trả giá để hàn gắn lại những mảnh vỡ cuộc đời con. Cảm ơn Ngài đã khôi phục con thành một chiếc bình mới, tuy đầy vết nứt nhưng vẫn xinh đẹp và được yêu thương. Xin Chúa vui lòng sử dụng con, biến con thành chiếc bình hữu ích cho công việc của Ngài. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.

Quý thính giả thân mến, từ những mảnh vỡ tưởng như không thể cứu chữa, giờ đây chúng ta đã được Chúa khôi phục thành những chiếc bình mới xinh đẹp của Ngài. Tuy còn đó những vết nứt, nhưng chúng ta biết rằng mình độc đáo và đẹp đẽ trong mắt Chúa, Đấng đã hy sinh tất cả để chúng ta được phục hồi. Nguyện chúng ta trở thành những chiếc bình hữu ích trong tay Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, để làm nên những công việc ích lợi cho Vương quốc Ngài.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.


Nguồn: https://oneway.vn/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here