Kinh Thánh cho biết con cái là cơ nghiệp Chúa ban cho những người làm cha mẹ, và trách nhiệm của chúng ta là nuôi dạy con cái mình cho Chúa. Có thể nói đây là một trong những công việc vĩ đại nhất và cũng khó khăn nhất, nhưng Chúa hứa ban ân điển cho những người đến tìm cầu Ngài để có thể làm tốt công việc này.

Hôm nay, ngày 24/03/2022, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Kay Camenisch qua chủ đề NUÔI DẠY CON CÁI CHO CHÚA

“Nhưng Chúa phán: “Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Vì vậy, tôi rất vui mừng tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.” (2 Cô-rinh-tô 12: 9)

Nuôi dạy con cái có lẽ là công việc quan trọng nhất mà nhiều người trong chúng ta phải đối mặt. Và cũng có những lúc thì đó chính là công việc khó khăn nhất. Không có chuyện nghỉ việc hay nghỉ phép gì cả. Công việc này đòi hỏi cha mẹ phải luôn sẵn sàng 24/7, đòi hỏi sự hy sinh không ngừng nghỉ, đòi hỏi trí tuệ, tình yêu thương, sự kiên nhẫn, và nhiều hơn thế nữa.

Một khó khăn trong quá trình dạy con là trẻ dường như học được từ việc quan sát nhiều hơn là qua những chỉ dẫn.

Tôi nhớ lại một sự việc như vậy khi chúng tôi đang hái khoai tây trong vườn. Sau một thời gian quan sát cha, thì đứa con mới biết đi của tôi đã nhặt một cục bùn từ ​​lớp đất mới xới và đặt nó vào đống khoai tây mà ba nó đang thu hoạch. Thằng bé không phân biệt được đâu là khoai tây và đâu là bùn đất, nó chỉ đơn giản là nhìn vào quy trình và sao chép những gì người cha làm.

Trẻ em nắm bắt được thái độ của chúng ta cũng như hệ thống tương tác và giải quyết vấn đề của chúng ta. Nếu chúng chỉ nhìn thấy những phần tích cực, tốt đẹp thôi thì tuyệt vời biết mấy. Nhưng thực tế rõ ràng không như vậy. Do đó, vì muốn con cái sống tốt, chúng ta cố gắng hết sức mình để trở nên mạnh mẽ, khôn ngoan và nêu gương tốt.

Traci là bà mẹ hai con. Cô lo lắng vì nhận thức rõ rằng trẻ có xu hướng học theo cha mẹ. Cô sợ con mình sẽ học theo sự tức giận của mình. Đó không phải là điều cô muốn dạy các con.

Cuối cùng, Traci kết luận: “Tôi dường như không thể chế ngự được cơn giận của mình, nhưng tôi có thể xin các con tha thứ khi tôi nói chuyện với chúng trong cơn tức giận.”

Dù khó khăn nhưng cô bắt đầu tìm đến Chad, đứa con gần 4 tuổi của mình, để nói lời xin lỗi mỗi khi cô phản ứng trong cơn tức giận. Cô chia sẻ, “Khi tôi xin lỗi thì ngay lập tức thằng bé hiểu được vấn đề. Nó dễ tha thứ hơn, dễ gạt vấn đề sang một bên hơn bản thân tôi rất nhiều! ”

Traci đang học từ Chad về thái độ nhanh chóng tha thứ. Lời Chúa Giê-xu đã thách thức cô, “Vậy, người nào khiêm nhường như đứa trẻ nầy sẽ là người cao trọng hơn hết trong vương quốc thiên đàng.” (Ma-thi-ơ 18: 4).

Vừa rồi, các bạn nhỏ qua nhà chơi. Khi các bà mẹ đang ngồi nói chuyện thì Chad lại gần họ, khóc và lấy tay che mặt. Lý do là vì có một cậu bạn đã phun nước bọt vào mặt cậu.

Mẹ của cậu bạn kia đã yêu cầu cậu bé xin lỗi Chad. Chad chấp nhận lời xin lỗi, nhưng vẫn chưa thể quay lại chơi chung. Thay vào đó, cậu bé ở lại và lấy tay che mặt như thể vẫn còn lo lắng.

Traci hỏi thăm xem Chad đang như thế nào. Chad cúi đầu đáp, “con đã nổi giận với bạn ấy”. Nghĩa là Chad đã biết mình cũng làm sai. Thế là Traci đưa con mình lại chỗ bọn trẻ và Chad có cơ hội nói lời xin lỗi vì đã tức giận. Sau đó thì bọn trẻ đã vui vẻ và tiếp tục chơi với nhau.

Là cha mẹ, chúng ta phải cố gắng làm gương tốt, nhưng có một thực tế là chúng ta hiếm khi thừa nhận những thất bại của mình.

Có thể thay vì phớt lờ lỗi lầm của mình, chúng ta cần thành thật, thú nhận những thiếu sót của mình và xin tình yêu thương và ân điển của Chúa. Kinh Thánh dạy rằng, “Sự kiêu ngạo của một người sẽ hạ người ấy xuống, nhưng ai có tinh thần khiêm nhường sẽ được tôn trọng.” (Châm Ngôn 29:23)

Khi Traci hạ mình xuống, con trai của cô đã đáp ứng bằng sự vâng lời và kính trọng cô. Khi Traci tiếp tục hạ mình và nói lời xin lỗi, cô nhìn thấy ân điển Chúa ban cho mình càng hơn để chinh phục cơn giận.

Gia-cơ nói với chúng ta, “Nhưng ân điển Ngài ban cho càng lớn hơn, nên Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ân điển cho người khiêm nhường.” (Gia-cơ 4: 6).

Việc nuôi dạy con cái là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng Chúa ở cùng chúng ta. Khi chúng ta biết nhìn nhận sự yếu đuối của mình, khiêm nhường đến với Chúa, chúng ta sẽ nhận được ân điển và sức lực của Ngài trong chỗ yếu đuối của mình:

“Nhưng Chúa phán: “Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Vì vậy, tôi rất vui mừng tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.” (2 Cô-rinh-tô 12: 9).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha thứ cho con vì những lần trở nên gương xấu trước mặt con cái mình. Xin ban ân điển và sức lực của Ngài để con có thể nuôi dạy con cái mình vì sự vinh hiển của Ngài. Con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu Christ, Amen.

Quý thính giả thân mến, chúng ta không phải và cũng không thể là những người cha, người mẹ hoàn hảo. Nhưng chúng ta có người Cha hoàn hảo trên Thiên đàng, luôn sẵn lòng lắng nghe mọi nhu cầu, ban ơn và thêm sức cho những ai hạ mình tìm cầu Ngài. Vậy nên trong quá trình nuôi dạy con cái, hãy nương dựa nơi sức Chúa thay vì sức riêng mình. Và những lúc chúng ta cảm thấy quá bất lực, hãy cứ đến với Chúa để nhận sức mới từ nơi Ngài để nuôi dạy con và trở nên một tấm gương sáng cho con noi theo.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199
Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.

Nguồn: https://oneway.vn/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here