“Sao Ngài lìa bỏ con?” – Câu hỏi ấy thật quá đỗi day dứt và đau buồn. Trên thập tự giá đầy tang thương với tấm thân đau đớn đến kiệt quệ, Cứu Chúa Jêsus đã cất lên tiếng kêu thống thiết, khi chính Đức Chúa Cha cũng ngoảnh mặt khỏi Ngài. Vì đâu mà Ngài phải nhận lấy nỗi đau không tả xiết ấy? Vì chính bạn và tôi – Ngài gánh chịu sự lìa bỏ đầy đau đớn để chúng ta được Cha Ngài chấp nhận. Ngài gánh chịu nỗi cô đơn để chúng ta không bao giờ phải bơ vơ. Ngài gánh chịu sự chết để mở ra cho chúng ta con đường cứu rỗi.
Hôm nay, ngày 17/04/2025, cũng là ngày kỷ niệm Chúa Jêsus chịu Thương Khó, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Helen R. Smith qua chủ đề SAO NGÀI LÌA BỎ CON?
“Đức Chúa Trời của con! Đức Chúa Trời của con! Sao Ngài lìa bỏ con?” (Ma-thi-ơ 27:46)
Kinh Thánh Ma-thi-ơ 27:46 thuật lại khoảnh khắc đau buồn, tang thương khi Đấng Christ bị treo trên cây thập tự:
“Khoảng ba giờ chiều, Đức Chúa Jêsus kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lam-ma-sa-bách-ta-ni?” nghĩa là: “Đức Chúa Trời của con! Đức Chúa Trời của con! Sao Ngài lìa bỏ con?”
Khi giảng dạy và trò chuyện với mọi người, Đức Chúa Jêsus thường đặt những câu hỏi. Đôi khi, Ngài cũng dùng những câu hỏi để đáp lại câu hỏi của người khác. Nhưng các sách Phúc Âm chỉ ghi lại duy nhất một câu hỏi mà Ngài thưa với Đức Chúa Cha. Một số nhà giải kinh cho rằng câu hỏi ấy mang tính chất tu từ, cảm thán – một câu hỏi không hề mong đợi câu trả lời.
Câu hỏi này cũng nhắc chúng ta nhớ về Thi Thiên 22 – như một lời tiên tri mô tả chính xác nỗi thống khổ của Ngài. Sau nhiều giờ liền bị đóng đinh trên thập tự giá, Đức Chúa Jêsus kêu lớn tiếng: “Đức Chúa Trời của con ôi! Đức Chúa Trời của con ôi! Sao Ngài từ bỏ con?”
Đức Chúa Jêsus không hề thắc mắc với Đức Chúa Cha về những lời vu cáo gian dối, về những trận đòn roi tàn bạo, hay về những lời chế giễu, nhạo báng không dứt. Ngài cũng không hề đặt câu hỏi về nỗi thống khổ mà Ngài phải chịu trên cây thập tự giá. Nhưng khi sự tương giao với Đức Chúa Cha bị cắt đứt, khi sự hiện diện yêu thương của Đức Chúa Cha đã không còn, Ngài đau đớn đến mức phải cất lên câu hỏi: “Sao Ngài lìa bỏ Con?” Đây là lần đầu tiên, và cũng là lần duy nhất Đức Chúa Jêsus phải trải nghiệm sự xa cách hoàn toàn với Đức Chúa Cha.
Những ai từng mất đi người thân yêu đều thấu hiểu một điều: cái chết không chỉ cướp đi sự hiện diện của họ, mà còn chấm dứt mọi khả năng nối kết giữa chúng ta và họ. Một người mẹ mất con đã nói rằng: “Ước gì thiên đàng có thì giờ thăm viếng.” Khi tình yêu quá sâu đậm, trái tim chỉ khát khao được gần bên người mình yêu thương, dù chỉ trong chốc lát. Nỗi đau chia lìa không chỉ dày vò tâm trí mà còn rút cạn sức lực, để lại một khoảng trống không gì có thể lấp đầy.
Bà Ma-ri, mẹ phần xác của Chúa Jêsus, đã tận mắt chứng kiến Con mình chịu đòn roi, chịu đóng đinh, chịu giày xéo trong đau đớn tột cùng. Và nỗi đau lớn nhất của bà chính là sự chia lìa không gì có thể khỏa lấp – bà đã mất con mình, và đau đớn chứng kiến nỗi thống khổ của Đức Chúa Con khi bị chia cắt khỏi Đức Chúa Cha.
Nếu sự chia lìa với người thân yêu là điều quá sức chịu đựng, thì với Chúa Jêsus, sự chia lìa với Đức Chúa Cha – xa cách khỏi sự an ủi, hướng dẫn, sự hiện diện của Đức Chúa Cha – lại càng đau đớn hơn bội phần. Chúa Jêsus đã chịu đựng nỗi đau ấy, vì gánh thay tội lỗi cho cả nhân loại.
Giữa cơn đau đớn tột cùng, một câu hỏi vang lên từ môi miệng Ngài – không chỉ hướng lên Cha, mà còn để muôn người đều nghe thấy: “Sao Ngài từ bỏ con?” Liệu có lời giải đáp nào đủ để thỏa mãn cõi lòng chúng ta? Liệu lý lẽ nào có thể làm sáng tỏ trọn vẹn sự mầu nhiệm này? Chúng ta chỉ có thể bước vào sự mầu nhiệm ấy bằng cách đến gần thập tự giá. Hãy đến, hãy dừng lại nơi ấy. Hãy nhìn lên Đấng đã bị đâm vì chúng ta, đã bị khinh bỉ vì chúng ta, đã mang lấy tội lỗi của chúng ta – và bị chính Cha Ngài lìa bỏ vì chúng ta. Hôm nay, hãy ở lại với Ngài ngay tại đó. Hãy để lòng mình được biến đổi bởi sự tha thứ từ nơi Đức Chúa Cha, và bởi tình yêu không giới hạn của Ngài.
Đức Chúa Trời đời đời hằng đoái xem chúng ta, như Thi Thiên 139:16 có chép: “Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của con; Số các ngày định cho con, đã biên vào sổ Chúa khi chưa có một ngày nào trong các ngày ấy.” Ngay cả khi bị đóng đinh trên thập tự giá, Đấng Mê-si-a đã dõi theo, vẫn quan tâm chúng ta. Ngay cả lúc ấy, Ngài đã biết chúng ta.
Giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau lắng lòng với ca từ trong bài Thánh Ca “Chúa Mang Thập Hình” của cố Mục sư Lê Đình Tươi, để chiêm nghiệm sự biến đổi đời sống diễn ra dưới chân thập tự giá:
Do huyết Chúa tuôn, lòng tôi sạch ròng.
Dạn dĩ đến nơi hạnh phước vô song.
Tôi hiến thân linh cho Jêsus hoài.
Truyền danh tôn vinh, cứu nhân loại.
Cứu người, Chúa vui mang thập hình.
Thế tôi, Chúa cam tâm hy sinh.
Chính tôi biết lấy chi đền bồi
Tình yêu vô đối, ôi Chúa ôi.
Cầu nguyện: Lạy Cứu Chúa Jêsus, thì giờ này con xin đến quỳ trước thập tự giá với tấm lòng biết ơn vô tận dâng lên Ngài. Ngài đã nhận lãnh mọi nỗi thống khổ để con được cứu chuộc. Ngài đã chịu đựng sự lìa bỏ đau đớn nhất để con được đến gần Đức Chúa Cha. Lạy Chúa, tình yêu Ngài dành cho con thật quá đỗi lớn lao! Xin giúp con luôn ghi nhớ rằng Ngài đã gánh lấy hình phạt đáng ra mà con phải chịu, để ngày nay con có thể gọi Đức Chúa Trời là Cha. Xin biến đổi con, để con sống mỗi ngày trong ánh sáng vinh quang của thập tự giá. Con nguyện dâng trọn cuộc đời mình cho Đấng đã yêu con đến tận cùng. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.
Quý thính giả thân mến, hôm nay, hãy dành thời gian hạ mình, khiêm cung suy niệm về hình ảnh thập tự giá, nơi tình yêu Chúa được bày tỏ trọn vẹn vì mỗi chúng ta. Hãy yên lặng và nhìn lên Ngài – Đấng đã chịu từng trận đòn roi, từng vết giáo đâm, từng lằn roi và dấu đinh đóng vì chúng ta. Ngài đã bị chính Đức Chúa Cha lìa bỏ, đã phải chịu đựng nỗi cô đơn tột cùng, đến mức phải cất lên tiếng kêu thống thiết – để chúng ta, những người tin đến danh Ngài, từ địa vị tội nhân hư mất, được trở về trong địa vị làm con cái Đức Chúa Trời, không bao giờ phải nếm trải nỗi đau chia lìa trong mối tương giao với Đức Chúa Cha như Chúa Jêsus đã chịu. Chính giờ phút này đây, hãy để dòng huyết Ngài gội sạch mọi tội lỗi trong chúng ta, và hãy để tiếng kêu thống khổ của Ngài nhắc chúng ta luôn ghi nhớ rằng: Ngài không bao giờ lìa bỏ, không bao giờ lãng quên chúng ta! Vì chính nơi thập tự giá, mọi nỗi tuyệt vọng đã bị xóa tan, và chính chúng ta đã nhận được ơn cứu chuộc của Ngài.
Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:
Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199
Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.
Nguồn: https://oneway.vn/