Tiệc Thánh – một thánh lễ vô cùng quan trọng và quen thuộc với mỗi Cơ Đốc nhân. Nhưng chính vì sự quen thuộc ấy, đôi khi chúng ta vô tình đánh mất cảm nhận về ý nghĩa thật sự của lễ Tiệc Thánh. Chúng ta đang thực sự hiểu gì về bánh và chén? Khi đưa tay nhận bánh và chén, tấm lòng chúng ta đang hướng đến điều gì? Và qua mỗi lần dự Tiệc Thánh, chúng ta có được thôi thúc để thay đổi đời sống của mình không?
Hôm nay, ngày 06/07/2025, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Daphne Delay qua chủ đề SỰ KỶ NIỆM QUÝ GIÁ NHẤT.
“Vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy thì rao giảng sự chết của Chúa cho đến lúc Ngài đến.” (I Cô-rinh-tô 11:26)
Hôm nay, trong thời gian suy ngẫm Lời Chúa, tôi đã bắt gặp từ “tưởng nhớ”. Khi tra cứu sách chú giải Kinh Thánh, tôi khá ngạc nhiên khi đọc phần chú thích của từ ngữ này. Trong sách ghi rằng: “tưởng nhớ bởi vì con người có xu hướng quên Đức Chúa Trời”. Tôi đã dừng để suy ngẫm về điều này và dần hiểu ra. Cũng giống như những ngày lễ kỷ niệm mà chúng ta có ngày nay thì sự kỷ niệm trong Kinh Thánh được thiết lập để giúp con người không lãng quên những điều Chúa đã làm cho mình.
Lễ Vượt Qua là lời nhắc nhở cho dân Y-sơ-ra-ên về tai vạ cuối cùng tại Ai Cập. Tai vạ này đã lấy đi mạng sống của tất cả con đầu lòng người Ai Cập, vì họ không bôi huyết nơi khung cửa. Tuy nhiên, việc kỷ niệm lễ Vượt Qua không phải để nhắc đến sự chết chóc, mà nhấn mạnh đến sự sống và lòng thương xót. Đức Chúa Trời đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên sự sống khi cái chết đang vây quanh. Chúa đã bày tỏ lòng thương xót với những người tin cậy và vâng lời Ngài. (Xuất Ai Cập Ký 12:14)
Ngoài lễ Vượt Qua, Kinh Thánh còn ghi lại nhiều dịp kỷ niệm khác được thiết lập. Ví dụ, Đức Chúa Trời phán dạy dân sự hãy kỷ niệm về ma-na Chúa đã ban cho họ trong hoang mạc (Xuất Ai Cập Ký 16:32).
Khi Đức Chúa Trời truyền dạy Môi-se cách làm ê-phót cho thầy tế lễ, Ngài cũng dặn ông phải khắc tên các chi phái của Y-sơ-ra-ên trên hai viên ngọc mã não, để A-rôn đeo trên vai như một kỷ niệm trước mặt Ngài (Xuất Ai Cập Ký 28:12).
Tương tự, Giô-suê, người lãnh đạo dân Chúa tiến vào đất hứa, cũng đã lập kỷ niệm với Đức Chúa Trời. Tại Si-chem, ông lập một giao ước cùng dân sự, truyền cho họ luật pháp và điều răn. Rồi ông lấy một hòn đá lớn dựng tại đó, để kỷ niệm Lời của Đức Chúa Trời phán cùng dân sự: “Rồi Giô-suê nói với tất cả dân chúng: “Kìa, hòn đá nầy sẽ làm chứng cho chúng ta, vì nó có nghe mọi lời Đức Giê-hô-va đã phán với chúng ta; nó sẽ làm chứng cho anh em, kẻo anh em chối bỏ Đức Chúa Trời mình chăng.” (Giô-suê 24:27)
Tuy nhiên, trong tất cả các dịp lễ kỷ niệm từng được lập nên, có một lễ vượt trội hơn tất cả, đó là lễ Tiệc Thánh. Lu-ca đã ký thuật lại như sau:
“Đến giờ, Ngài ngồi vào bàn và các sứ đồ cùng ngồi với Ngài. Ngài phán với họ: “Ta rất muốn ăn lễ Vượt Qua nầy với các con trước khi Ta chịu đau đớn. Vì Ta bảo các con, Ta sẽ không ăn lễ nầy nữa cho đến khi lễ ấy được hoàn tất trong vương quốc Đức Chúa Trời.” Ngài cầm chén, tạ ơn rồi phán: “Hãy lấy và phân phát cho nhau. Vì Ta nói cùng các con, từ nay Ta sẽ không uống nước nho nầy nữa cho tới khi vương quốc Đức Chúa Trời đến.” Rồi Ngài lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, phân phát cho các môn đồ và phán: “Nầy là thân thể Ta vì các con mà phó cho. Hãy làm điều nầy để nhớ đến Ta.” Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén trao cho các môn đồ và phán: “Chén nầy là giao ước mới trong huyết Ta vì các con mà đổ ra.” (Lu-ca 22:14-20)
Dù lúc ấy các môn đồ chưa thật sự hiểu hết những điều Chúa Jêsus đang làm, nhưng Tiệc Thánh từ đó đã trở thành một lễ để tưởng nhớ Chúa Jêsus đúng như lời Ngài phán.
Sứ đồ Phao-lô đã nhắc lại cho các tín hữu tại Cô-rinh-tô nhớ về thánh lễ quan trọng này trong lá thư đầu tiên gửi cho họ, và dạy họ hãy tiếp tục dự Tiệc Thánh như một lời nhắc nhở về tình yêu và sự thương xót của Đức Chúa Trời. Phao-lô viết: “Vì tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: Ấy là trong đêm Chúa là Đức Chúa Jêsus bị phản nộp, Ngài lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra và phán rằng: “Nầy là thân thể Ta vì các con mà phó cho, hãy làm điều nầy để nhớ đến Ta.” Cùng một cách ấy, sau khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: “Chén nầy là giao ước mới trong huyết Ta; hễ khi nào các con uống, hãy làm điều nầy để nhớ Ta.” (1 Cô-rinh-tô 11:23-25)
Qua Đức Thánh Linh, Phao-lô đã truyền dạy cho các tín hữu tầm quan trọng của việc tưởng nhớ Chúa Jêsus và sự hy sinh của Ngài.
Trong mỗi dịp tưởng niệm, sẽ có điều gì đó được lập ra để nhắc nhở dân sự về những sự kiện hoặc lẽ thật nhất định. Trong lễ Tiệc Thánh, bánh và chén không có quyền năng gì xét theo bản chất vật lí. Tuy nhiên, vì đại diện cho thân và huyết của Chúa, nên bánh và chén mang ý nghĩa rất quan trọng cho mỗi Cơ Đốc nhân. Bánh tượng trưng cho sự chữa lành thân thể bên ngoài. Chúa Jêsus phán: “Nầy là thân thể Ta vì các con mà phó cho.” Tiên tri Ê-sai đã nói tiên tri về sự hy sinh của Đấng Mê-si-a rằng: “Bởi lằn roi Người mang, chúng ta được lành bệnh.” (Ê-sai 53:5) Tương tự như vậy, chén tượng trưng cho sự tha thứ con người bên trong. “Cùng một cách ấy, sau khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: “Chén nầy là giao ước mới trong huyết Ta.”
Khi nghiên cứu về các lễ kỷ niệm được lập nên để ghi nhớ sự giải cứu hay chu cấp của Đức Chúa Trời, chúng ta nhận thấy không có thời gian cố định cho các dịp này. Các lễ kỷ niệm đều có những quy định riêng. Ví dụ, Lễ Vượt Qua được tổ chức mỗi năm một lần, trong khi việc kỷ niệm Lời Chúa chỉ là một hòn đá lớn được đặt dưới cây sồi, để bất kỳ ai đi ngang qua cũng nhìn thấy, trở thành lời nhắc nhở cho suốt cả năm chứ không chỉ một ngày. Tương tự, lễ Tiệc Thánh cũng có thời gian riêng. Phao-lô viết: “Vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy thì rao giảng sự chết của Chúa cho đến lúc Ngài đến.” (I Cô-rinh-tô 11:26)
Từ khoá đáng chú ý ở đây là “mỗi lần”. Nói cách khác, sứ đồ Phao-lô không đưa ra thời gian cụ thể là một ngày, một năm, một tháng hay một tuần để cử hành Tiệc Thánh. Ý của Phao-lô chỉ đơn giản là bất cứ khi nào anh em ăn bánh và uống chén, thì hãy nhớ hành động này có mang một “mục đích”. Lễ Tiệc Thánh không chỉ là truyền thống của Hội Thánh, mà Phao-lô còn thôi thúc mỗi Cơ Đốc nhân phải “rao giảng sự chết của Chúa cho đến lúc Ngài đến” – đây mới là mục đích của lễ Tiệc Thánh.
Chúa Jêsus đã cảnh báo chúng ta về việc để những nghi thức truyền thống làm mất đi quyền năng và thẩm quyền của Lời Đức Chúa Trời. Một ví dụ rõ ràng được ghi lại trong Mác chương 7. Những người Pha-ri-si chỉ trích các môn đồ vì chưa rửa tay mà đã dùng bữa. “Vì theo truyền thống của người xưa, người Pha-ri-si và người Giu-đa đều không ăn nếu chưa rửa tay” (câu 3). Chúa Jêsus đã thẳng thắn nói với họ: “Như thế, các ngươi cố bám giữ truyền thống của mình mà chối bỏ lời Đức Chúa Trời. Các ngươi còn làm nhiều việc khác tương tự như vậy.” (câu 13)
Đôi lúc chúng ta cũng vô tình làm điều tương tự với lễ Tiệc Thánh. Thay vì nhận biết mục đích thật sự của thánh lễ này, chúng ta chỉ tham dự như một lễ nghi lặp đi lặp lại. Vì thế, trong tinh thần của sứ đồ Phao-lô, mỗi khi cầm bánh và chén, chúng ta cần tự hỏi chính mình rằng: “Vì lý do nào mà tôi làm điều này?” Không chỉ đơn giản là nhớ bánh tượng trưng cho thân thể Ngài, chén tượng trưng cho huyết Ngài, mà còn là nhớ lý do tại sao bánh và chén ấy được ban cho. Cả bánh và chén lần lượt nhắc chúng ta về sự sống mà chúng ta hiện có trong Chúa Cứu Thế Jêsus.
Đối với con cái Chúa, Tiệc Thánh là dịp kỷ niệm quý giá nhất. Bởi vì qua đó, chúng ta không chỉ nhớ lại sự chết và sự sống lại vinh hiển của Chúa Jêsus, mà còn có cơ hội để ăn năn và đối diện với chính mình, để tiếp tục sống nếp sống mới của người được biến đổi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa yêu dấu của con, con cảm ơn Chúa vì tình yêu, sự thương xót và ơn giải cứu của Ngài dành cho con. Ngài không muốn con quên, nhưng nhắc nhở con phải ghi nhớ và kỷ niệm những điều ấy, để lòng con luôn khắc ghi ơn Ngài. Chúa ôi, mỗi khi con đến với lễ Tiệc Thánh, xin cho con không xem đây chỉ là nghi thức bề ngoài, nhưng là giây phút để con xét lại mình, ăn năn trước Chúa, và rao truyền sự chết của Chúa cho mọi người như Lời Ngài phán dạy. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.
Quý thính giả thân mến, hôm nay nhiều người trong chúng ta sẽ dự thánh lễ Tiệc Thánh. Khi nhận biết rằng chính Chúa Jêsus đã thiết lập lễ Tiệc Thánh để chúng ta tưởng nhớ sự thương khó của Ngài, bạn có quý trọng những giây phút mình vẫn còn cơ hội được dự Tiệc Thánh không? Bao năm bước đi theo Chúa, có lẽ chúng ta đã nhiều lần phạm tội cùng thân và huyết Ngài. Không chỉ là thái độ hời hợt, mà còn là vì chúng ta đã im lặng trước sứ điệp thập tự, không dám rao truyền Phúc Âm cho người khác. Hôm nay, hãy đến với Chúa bằng tấm lòng ăn năn, thừa nhận sự yếu đuối của chính mình. Và rồi, bởi ơn Ngài, hãy bắt đầu tập tành làm chứng về Chúa, có thể là với một người bạn tình cờ gặp, một người bạn thân mà bạn còn ngần ngại chia sẻ, hay chính những người thân trong gia đình như cô, dì, chú, bác… của mình.
Hãy nhớ rằng: nếu đã dự phần Tiệc Thánh với tấm lòng chân thành, thì chúng ta không thể tiếp tục sống trong sự cũ kỹ và thiếu cam kết với Chúa. Đừng để lòng bạn thờ ơ trước tình yêu của Chúa, cũng đừng để những lần dự Tiệc Thánh trở nên vô nghĩa. Hãy để đó là dịp để bạn dâng lên Chúa những cam kết mới: cam kết sống một đời sống được biến đổi, một đời sống sẵn sàng bước đi và làm chứng về Chúa cho đến lúc Ngài đến.
Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:
Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199
Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.
Nguồn: https://oneway.vn/