Đã bao giờ bạn cảm thấy xa cách Chúa đến mức dường như không thể quay đầu lại được nữa? Bạn cảm thấy như thể sợi dây liên hệ giữa bạn với Ngài đã hoàn toàn bị cắt đứt? Đừng lo, đôi khi việc tái kết nối với Chúa đơn giản hơn bạn tưởng tượng rất nhiều. Chỉ cần một tấm lòng chân thành và vài hành động đơn sơ, bạn sẽ có thể một lần nữa trở nên khăng khít với Chúa yêu thương.
Hôm nay, ngày 25/10/2022, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Karen O’Connor qua chủ đề TÁI KẾT NỐI VỚI CHÚA.
“Vì Ngài không khinh bỉ hay ghê tởm cảnh hoạn nạn của kẻ nghèo khổ; Cũng không giấu mặt Ngài với người ấy, nhưng lắng nghe tiếng kêu cứu của người” (Thi thiên 22:24)
“Đời tôi là một mớ hỗn độn” – tôi thì thầm khi đang ngồi đối diện với Joe, vị Mục sư phụ trách tâm vấn của Hội Thánh chúng tôi. “Tôi cảm thấy xa cách với chồng, lo lắng về con cái, và đời sống tâm linh… nói thật là tôi thấy khô khan. Tôi rất khó cầu nguyện. Chúa dường như thật xa vời.”
Joe im lặng một lúc. Sau đó, ông khiến tôi chú ý bởi một điều mà tôi không ngờ tới. Ông nói: “Hãy bắt đầu bằng cách viết nhật ký tĩnh nguyện và trò chuyện với Chúa mỗi ngày. Hãy bắt đầu ngay hôm nay. Chị sẽ ngạc nhiên khi nhận ra mình có thể cảm nhận sự hiện diện của Chúa nhanh chóng như thế nào.”
Tôi trả lời: “Nghề kiếm sống của tôi là viết lách nên tôi không nghĩ rằng mình còn năng lượng để viết nhật ký!”
Vị Mục sư của tôi không chịu thua. Ông nói thêm, “Hãy nói với Chúa tất cả những gì chị đã nói với tôi. Hãy làm như vậy trong một tháng. Sau đó quay lại gặp tôi.”
Tôi lái xe về nhà, cầm lấy một quyển sổ trắng và bắt đầu viết. Tôi bắt đầu, “Lạy Chúa, là con, Karen đây. Con hầu như không biết bắt đầu từ đâu…”. Tôi viết ra tất cả những điều tôi đã nói với Joe. Khi viết xong, bỗng có một cảm giác bình yên mà tôi chưa từng trải nghiệm trong một thời gian dài.
Rồi đến ngày Chúa nhật ngay sau khi tôi bắt đầu viết nhật ký, một Chấp sự trong Hội Thánh trao cho tôi một quyển sách mới: “Đối thoại với Chúa” của tác giả Mark Virkler. Người này không hề biết về những tranh đấu, hoặc cam kết viết nhật ký của tôi! Tôi đọc hai mạch là xong hết quyển sách. Tác giả trích dẫn nhiều ví dụ về các cuộc đối thoại giữa Chúa và con dân Ngài trong suốt Kinh Thánh – như Môi-se, Đa-vít, Phao-lô và những người khác. Giống như họ, tôi có thể ghi lại những Lời Chúa phán với mình.
Tôi bắt đầu thực hiện cách viết nhật ký mới mẻ này và tiếp tục trong hơn mười năm. Khi bỏ qua một, hai ngày vì bận rộn, bệnh tật hoặc đi du lịch, tôi cảm thấy trống trải ngay lập tức.
Nếu bạn chưa bao giờ viết nhật ký tĩnh nguyện trước đây, hãy cân nhắc tới việc bắt đầu viết ngay hôm nay! Không cần theo bất cứ nguyên tắc nào. Bạn có thể thêm tranh vẽ, hình ảnh hoặc chỉ đơn giản là viết – một vài dòng hoặc một vài trang. Tuỳ bạn. Tôi có biết một người mẹ trẻ đã viết nhật ký cho 3 đứa con của mình, mỗi đứa một quyển riêng. Sheila nói: “Tôi không thể nào rời xa Chúa, ngày qua ngày, tôi đều viết ra những lời cảm ơn Ngài về các con tôi, và ghi lại tất cả những phước hạnh Ngài đã ban cho gia đình chúng tôi”.
Bạn cũng có thể chọn một chủ đề cho cả năm. Ví dụ, trong một năm, tôi viết nhật ký về chủ đề ‘ngợi khen’ – mỗi ngày suy ngẫm một câu Kinh Thánh về chủ đề này và sau đó viết một lời cầu nguyện ngắn mỗi trang. Tôi có một người bạn và cô ấy nói rằng cô thích viết thư bày tỏ tình yêu thương dành cho Chúa. Cô nói: “Những lá thư đã giúp tôi trải nghiệm mối quan hệ gần gũi hơn với Chúa.”
Bằng cách thay đổi chủ đề mỗi năm hoặc mỗi tháng, bạn sẽ không bao giờ có cảm giác buồn chán, và tôi chắc chắn rằng bạn sẽ nhận thấy mối liên hệ ngày càng khăng khít với Chúa trong mọi lĩnh vực cuộc sống.
Nhưng viết nhật ký không phải là cách duy nhất để trở nên gần gũi với Chúa. Dưới đây là một vài cách khác mà bạn có thể xem xét.
Đầu tiên, hãy dành thời gian để tâm linh được yên tĩnh. Vợ chồng chúng tôi vừa trở về sau một kỳ nghỉ dành cho các văn nghệ sĩ Cơ Đốc. Đó là bốn ngày sảng khoái và thú vị nhất mà chúng tôi từng trải qua trong suốt một thời gian dài. Nhưng điều này đòi hỏi thời gian và tiền bạc chi trả cho vé máy bay, ăn uống, chỗ ở, v.v. Chúng tôi không thể thường xuyên đi một chuyến như vậy. Nhưng hầu hết chúng ta đều có thể sắp xếp thời gian nghỉ ngơi ngắn hạn nửa ngày hoặc một ngày – một mình hoặc cùng với người khác.
Vợ chồng tôi cũng đã tham gia một vài khóa tĩnh nguyện một ngày do Hội Thánh tổ chức. Chúng tôi thuê một cơ sở tọa lạc trên một khu đất rộng lớn, tại đây mọi người có thể tụ họp nhau vào buổi sáng để cầu nguyện, ca ngợi Chúa và thảo luận về một chủ đề đã chọn. Vào buổi chiều, chúng tôi có thời gian tản bộ trên đường, dừng lại và nghỉ ngơi trong chiếc vọng lâu nhỏ, chợp mắt dưới tán cây to, hoặc ngồi trên bãi cỏ để đọc sách và viết lách. Nơi đây cũng có một nhà nguyện để chúng tôi ngồi trong im lặng và cảm nhận sự hiện diện của Chúa.
Tôi chưa bao giờ quên khoảng thời gian quý giá ấy – sự bình an mà tôi không cần phải nỗ lực để có được. Thật như lời Chúa phán, “Ta tạo nên lời ca ngợi trên môi miệng chúng: ‘Bình an! Bình an cho kẻ ở xa và cho kẻ ở gần!’ Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ chữa lành cho nó” (Ê-sai 57:19).
Bạn có thể cân nhắc tổ chức một sự kiện như vậy cho Hội Thánh mình. Ngay cả một khách sạn xinh xắn với khuôn viên rộng rãi cũng sẽ là nơi lý tưởng để tâm linh được ngơi nghỉ.
Nếu bạn hoặc một tín đồ khác có một ngôi nhà lớn với sân vườn rộng, thì nơi đó cũng có thể được tận dụng.
Em gái tôi và bạn bè thường đến bãi biển mỗi năm một lần để nghỉ ngơi trong nửa ngày, bao gồm thời gian để nghỉ ngơi, đọc sách, thảo luận và ăn trưa. Mọi người lái xe về nhà trước giờ bọn trẻ tan học.
Có nhiều cách thức sáng tạo để tạm rút lui khỏi thế giới, nơi mà chúng ta thường xuyên đặt hết tâm trí và tấm lòng của mình vào đó.
Một cách nữa để tái kết nối với Chúa là tìm kiếm Chúa qua công trình sáng tạo của Ngài. Kết nối với Chúa qua sự sáng tạo của Ngài là một trong những việc nên làm nhất. Một mùa Hè kia, tôi đã có một trải nghiệm làm thay đổi mối quan hệ của tôi với Chúa mãi mãi. Một ngày cuối tháng 8, tôi chuẩn bị leo lên đỉnh Half Dome ở Công viên Quốc gia Yosemite, đây là một phần trong chuyến “du lịch bụi” của ban phụ nữ. Để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi cùng nhóm bạn đã đi bộ đường dài hàng tuần trong suốt vài tháng trước đó, tìm hiểu về lều, túi ngủ, bếp, thực phẩm khô và chiếc ba lô nặng hơn 13 ký trên lưng!
Buổi sáng ngày bắt đầu chuyến đi, tôi vừa hồi hộp vừa vui mừng. Tôi đã sẵn sàng! Tôi muốn có một trải nghiệm trọn vẹn – không hối tiếc. Vì vậy, khi đang ở lưng chừng dốc núi đá, tôi quay người lại và đứng quay mặt ra ngoài. Không được phép bước sai một bước nào ở đây. Tôi giữ chặt dây cáp để nương người lại. Sau đó tôi hít một hơi thật sâu và bắt đầu ngắm nhìn!
Trước mặt tôi, trên, dưới, và hai bên – mọi hướng tôi nhìn thấy đồng loạt tạo nên một bữa tiệc thị giác – với những cây thông to lớn vươn mình trên những vách đá khổng lồ, những tảng đá mạnh mẽ sừng sững giữa rừng cây tươi tốt, và những đỉnh núi hùng vĩ nhô cao trên bầu trời xanh thẳm. Tôi hoàn toàn choáng ngợp. Điều này tuyệt diệu hơn tôi tưởng tượng rất nhiều.
Tôi nghĩ thầm: Đây là một nơi thiêng liêng. Chúa đang hiện ở đây.
Tôi đã bị cuốn vào việc chuẩn bị và lên kế hoạch, đến nỗi không còn thời gian để nghĩ nhiều về vấn đề thuộc linh. Nhưng thiên nhiên tuyệt diệu vốn luôn ở đó, và tôi không cách nào bỏ lỡ được.
“Ôi Chúa ơi” – tôi lắp bắp – “thật cảm ơn Chúa vì điều này… Suýt nữa thì con đã bỏ lỡ những gì thiên nhiên thật sự mang đến!”
Trên đường đi xuống, tôi nghĩ về tất cả những cách Chúa dùng để chu cấp cho tôi. Lá thông đã tạo nên một tấm thảm êm ái cho căn lều của tôi. Những gốc cây để ngồi nghỉ, những nhành cây để phơi đôi tất ướt, và những tán cây để phủ che bóng mát. Chúa đã ở đó với tôi – tại nơi hoang dã đó – đáp ứng mọi nhu cầu và mong muốn của tôi.
Nhưng bạn không cần phải đi leo núi để tái kết nối với Chúa. Bạn có thể đến công viên trong khu phố hoặc chính sân vườn của mình, với một chiếc ghế xếp, một túi đồ ăn trưa, Kinh Thánh và một vài cuốn sách hay. Hãy đọc và cầu nguyện, suy nghĩ và nghiền ngẫm, lắng nghe và quan sát sự hiện diện yêu thương của Chúa được phản ánh tuyệt vời qua công trình sáng tạo của Ngài.
“Vì Ngài không khinh bỉ hay ghê tởm cảnh hoạn nạn của kẻ nghèo khổ; Cũng không giấu mặt Ngài với người ấy, nhưng lắng nghe tiếng kêu cứu của người” (Thi thiên 22:24).
Cầu nguyện: Chúa ơi, xin Chúa tha thứ vì bấy lâu nay con đã xa cách Ngài. Xin Chúa dạy con cách chủ động đến gần Ngài, tìm lại mối tương giao tuyệt vời với Cha Thiên Thượng, và giữ gìn để mối tương giao ấy lúc nào cũng khăng khít, không bao giờ rời xa. Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jêsus Christ, Amen.
Quý thính giả thân mến, chỉ cần một chút thời gian để bạn lại một lần nữa gần gũi với Chúa. Nếu bạn đang cảm thấy xa cách, hôm nay chính là lúc để đến gần Ngài qua vài dòng nhật ký, qua công trình sáng tạo của Ngài, qua một kỳ tĩnh tâm ngắn hạn, hoặc bằng bất cứ phương pháp nào phù hợp với bạn. Và nếu bạn cảm thấy xa cách đến mức không thể cứu vãn được nữa, thì hãy nhớ rằng vẫn còn hy vọng, vì Chúa đã hứa Ngài sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta. Bạn chỉ cần cất tiếng gọi: “Chúa ơi, con cần Ngài!” Và Ngài sẽ đáp lời bạn.
Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:
Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199
Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.
Nguồn: https://oneway.vn/