Với nhịp sống hối hả của thời nay, chắc hẳn chúng ta luôn muốn giải pháp nhanh chóng cho mọi vấn đề. Điều này cũng tác động đến cả đời sống đức tin của chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy khó lòng mà chờ đợi. Đã bao giờ bạn tự hỏi chương trình của Chúa dành cho mình là gì? Cách Ngài vận hành trong và qua chúng ta thời nay có thay đổi so với thời xưa không?
Hôm nay, ngày 23/06/2024, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Andrew Murray qua chủ đề TẤM LÒNG TRÔNG ĐỢI CHÚA.
“Hỡi các người trông cậy nơi Đức Giê-hô-va, hãy vững lòng bền chí” (Thi Thiên 31:24)
Những lời này nhấn mạnh một bài học vô cùng cần thiết cho những ai đang mong ước học biết việc trông đợi Chúa thật sự và trọn vẹn nghĩa là gì. Bài học ấy là: chúng ta phải trông đợi Chúa bằng cả tấm lòng.
“Hãy vững lòng bền chí.”
Mọi sự trông đợi của chúng ta tuỳ thuộc vào tình trạng của tấm lòng. Lòng người thể nào thì trước mặt Chúa người đó cũng thể ấy. Chúng ta không thể đi xa hoặc tiến sâu vào nơi thánh trong sự hiện diện Chúa để chờ đợi Ngài tại đó nếu chúng ta không được Đức Thánh Linh sửa soạn tấm lòng mình. Thông điệp ở đây là: “Hỡi các người trông cậy nơi Đức Giê-hô-va, hãy vững lòng bền chí.”
Lẽ thật có vẻ đơn giản đến mức một số người có thể thắc mắc: Không phải tất cả mọi người đều thừa nhận điều này sao? Đâu cần phải nhấn mạnh đến nó đặc biệt như thế? Vì rất nhiều Cơ Đốc nhân không hiểu được sự khác biệt lớn giữa đạo của tâm trí và đạo của tấm lòng, và đạo của tâm trí được trau dồi sốt sắng hơn đạo của tấm lòng. Họ không biết rằng tấm lòng lớn hơn tâm trí đến mức nào. Đây chính là một trong những nguyên do chính dẫn đến sự yếu đuối trong đời sống theo Chúa của chúng ta, và chỉ khi hiểu được điều này thì sự trông đợi Chúa mới mang lại phước hạnh đầy trọn cho chúng ta.
Một câu Kinh Thánh trong Châm Ngôn 3:5 có thể giúp làm rõ ý của tôi. Khi nói về cuộc đời ở trong sự kính sợ và ơn của Chúa, Lời Chúa chép rằng: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con.” Trong mọi niềm tin, chúng ta phải sử dụng hai năng lực này. Tâm trí thu thập kiến thức từ Lời Chúa, sửa soạn thức ăn để nuôi dưỡng tấm lòng và sự sống bên trong. Nhưng ở đây có một nguy hiểm kinh khiếp khi chúng ta dựa vào sự hiểu biết riêng, và cậy vào sự hiểu biết của chúng ta về những điều thiêng liêng.
Nhiều người nghĩ rằng nếu họ được bao phủ bởi lẽ thật thì dĩ nhiên đời sống thuộc linh của họ được vững mạnh. Và điều này hoàn toàn không xảy ra như vậy. Sự hiểu biết liên quan đến các khái niệm và hình ảnh về những điều thiêng liêng, nhưng nó không thể chạm đến sự sống thật sự của linh hồn. Do đó, mạng lệnh truyền rằng: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con.”
Chính khi tấm lòng chúng ta tin cậy thì chúng ta chạm đến Ngài. Chính trong tấm lòng chúng ta là nơi Đức Chúa Trời đã ban Thánh Linh, để ở với chúng ta, sự hiện diện và quyền năng của Ngài hành động bên trong chúng ta. Trong mọi tín ngưỡng, tấm lòng phải là nơi tin cậy, yêu mến, thờ phượng và vâng lời. Tâm trí tôi hoàn toàn không có khả năng sáng tạo hay gìn giữ sự sống thuộc linh bên trong tôi: tấm lòng phải trông đợi Chúa để Ngài làm điều đó bên trong tôi.
Điều này cũng đúng trong sự sống thuộc thể. Lý trí tôi có thể chỉ cho tôi biết nên ăn uống gì, và thức ăn đó nuôi dưỡng tôi ra sao. Nhưng trong việc ăn uống của mình, lý trí của tôi không thể làm được gì: cơ thể có nhiều cơ quan cho mục đích đặc biệt đó. Cũng vậy, lý trí có thể cho tôi biết Lời Chúa nói gì, nhưng nó không thể làm gì để nuôi dưỡng linh hồn tôi bằng bánh sự sống – chỉ tấm lòng này có thể làm được việc đó bằng đức tin cùng sự trông mong đặt nơi Chúa.
Một người có thể nghiên cứu về tính chất và ảnh hưởng của thức ăn hoặc giấc ngủ; nhưng khi người đó muốn ăn hoặc ngủ, anh ta sẽ bỏ qua một bên những suy nghĩ và việc nghiên cứu của mình, rồi sử dụng năng lực của việc ăn uống hoặc ngủ nghỉ. Vì vậy, khi đã nghiên cứu hoặc nghe Lời Chúa, chúng ta cần dừng lại suy nghĩ của mình, không đặt lòng tin nơi chúng nữa, và đánh thức lòng mình để mở ra trước Chúa, và tìm kiếm mối thông công sống động với Ngài.
Đây chính là sự phước hạnh của việc trông đợi Chúa, khi tôi xưng nhận sự bất lực trong suy nghĩ và nỗ lực của bản thân, lắng lòng xuống và cúi phục trước Ngài trong sự yên lặng, tin cậy Chúa sẽ đổi mới và làm vững mạnh công việc của Ngài bên trong tôi. Và đây là bài học trong câu Kinh Thánh này: “Hỡi các người trông cậy nơi Đức Giê-hô-va, hãy vững lòng bền chí.” Hãy nhớ sự khác biệt giữa việc biết bằng tâm trí và việc tin bằng tấm lòng.
Hãy cảnh giác với sự cám dỗ dựa vào hiểu biết riêng qua những ý nghĩ rõ ràng và mạnh mẽ. Chúng chỉ giúp bạn nhận biết điều mà tấm lòng phải nhận từ Chúa: chúng chỉ là hình ảnh và cái bóng.
“Hỡi các người trông cậy nơi Đức Giê-hô-va, hãy vững lòng bền chí.” Hãy trình dâng những điều đó cho Chúa như một phần tuyệt vời trong bản tính thuộc linh của bạn, trong đó Chúa bày tỏ chính Ngài và qua đó bạn có thể nhận biết Ngài. Hãy nuôi dưỡng lòng tin lớn nhất rằng mặc dù bạn không thể nhìn thấu tấm lòng mình thì Đức Chúa Trời vẫn đang hành động ở đó bởi Thánh Linh Ngài. Hãy tin chắc điều này và trông đợi Chúa. Hãy cứ tiếp tục trao phó tấm lòng của bạn cùng với những điều bí ẩn của nó vào trong bàn tay Chúa. Ngài muốn tấm lòng, Ngài tiếp nhận nó, và vì Chúa ngự bên trong tấm lòng.
“Hỡi các người trông cậy nơi Đức Giê-hô-va, hãy vững lòng bền chí.”
“Hỡi linh hồn ta, hãy trông đợi nơi Chúa!”
Cầu nguyện: Kính lạy Chúa yêu dấu, con cảm ơn Chúa vì đã ban Đức Thánh Linh ngự bên trong tấm lòng con. Xin dạy con mỗi một ngày biết trông đợi Chúa. Xin giúp con nương cậy Chúa chứ không dựa vào sự hiểu biết riêng của con. Xin giúp tấm lòng con được biến đổi theo Lời Chúa và ban cho con sự nhận biết Ngài. Con xin dâng tấm lòng con cho Chúa, và cả cuộc đời này nữa. Nguỵện Chúa tiếp tục làm Chúa và làm chủ đời sống con.
Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.
Quý thính giả thân mến. Ước mong lời Chúa thêm đức tin và năng lực để chúng ta để cứ trông đợi và vững lòng tin cậy Ngài. Và trong thời gian yên lặng đó, nguyện Chúa giúp chúng ta học được những bài học mới từ Đức Thánh Linh để con người bề trong chúng ta được biến đổi mỗi ngày theo hình ảnh của Đấng Christ.
Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:
Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199
Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.
Nguồn: https://oneway.vn/