Có phải khi tin Chúa Jêsus, chúng ta sẽ không bao giờ gặp nan đề hay khó khăn nữa hay không? Chúng ta biết rõ câu trả lời cho vấn đề này: Còn sống trên đất ngày nào thì chúng ta còn đối diện với nan đề ngày ấy. Chỉ khi nào chúng ta gặp Chúa mặt đối mặt, chỉ khi về với Ngài hoặc khi Ngài đến tiếp rước chúng ta, thì khi đó mọi nước mắt sẽ không còn. Vậy làm thế nào để chúng ta tìm thấy hi vọng giữa những bế tắc giữa cuộc đời này? Làm thế nào để chúng ta kinh nghiệm niềm vui và bình an trong cuộc sống trên đất?

Hôm nay, ngày 20/04/2025, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Andrew Knox qua chủ đề TÌM ĐƯỢC NIỀM VUI PHỤC SINH.

“Đức Chúa Jesus đến đứng giữa họ và nói: “Bình an cho các con!” Nói xong, Ngài cho họ xem tay và sườn mình. Khi thấy Chúa, các môn đồ thật vui mừng.” (Giăng 20:19-20)”

Mặc dù Phục Sinh là một ngày lễ long trọng, vui mừng; nhưng trong bối cảnh Phục sinh, có thể vẫn có những người đang phải vật lộn với nỗi đau, sự nghi ngờ, hoặc nỗi sợ hãi—giống như các môn đồ của Chúa Giê-xu sau khi Ngài bị đóng đinh (Lu-ca 24:11). Tuy nhiên, nhờ vào sự phục sinh của Chúa Jêsus, mọi sự đau khổ, tuyệt vọng và hoang mang đã được biến đổi thành niềm hy vọng và bình an. Và bạn cũng có thể kinh nghiệm sự thay đổi tương tự như thế.

Hãy suy nghĩ về Ma-ri Ma-đơ-len. Chúa Jêsus đã biến đổi đời sống bà một cách đáng kinh ngạc. Bà đã được tình yêu thương của Ngài chạm đến, nhưng sau khi Chúa chịu đóng đinh, lòng bà tan nát. Bà đã khóc vì mất đi người từng bảo vệ mình. Bà không hiểu được điều gì đang xảy ra khi không thấy xác Ngài trong ngôi mộ. Nhưng vào ngày Phục Sinh, bà nhận được niềm vui mừng lớn. Chúng ta đọc thấy trong Phúc Âm Lu-ca rằng thiên sứ đã hiện ra để báo tin: “Ngài không ở đây đâu, Ngài đã sống lại rồi!” (Lu-ca 24:6). Giăng cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus để ý đến nỗi đau và nước mắt của bà, và trong khi bà không nhận ra Ngài thì Chúa đã gọi tên bà: “Ma-ri!” (Giăng 20:14-16). Điều đó thay đổi mọi thứ. Bà sẽ chạy đến để thuật lại cho các môn đồ điều mình đã thấy và nghe. Chúa đã sống lại!

Sau sự chết của Chúa Jêsus, các môn đồ lo sợ cho mạng sống họ và trốn trong một căn phòng khóa cửa. Nhưng Chúa Jêsus đã bước vào giữa họ và tuyên bố: “Bình an cho các con!” Nói xong, Ngài cho họ xem tay và sườn mình. Khi thấy Chúa, các môn đồ thật vui mừng.” (Giăng 20:19-20). Nỗi sợ hãi được thay thế bằng sự bình an. Tuyệt vọng được thay thế bằng hy vọng. Bên trong căn phòng đã khóa chặt cửa nhưng vẫn đầy bất an hôm ấy, Chúa Jêsus bảo đảm rằng các môn đồ tìm thấy sự bình an thật trong chính Ngài. Nhưng, bạn còn nhớ người không có mặt trong căn phòng đóng kín đó không? Chính là Thô-ma, người hay nghi ngờ. Khi các bạn của ông chia sẻ rằng họ đã thấy Chúa, ông trả lời: “Nếu tôi không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào chỗ dấu đinh, và không đặt bàn tay tôi vào sườn Ngài thì tôi sẽ không tin” (câu 25). Thô-ma vẫn còn nghi ngờ, vì thế Chúa Jêsus một lần nữa đứng giữa vòng họ và nói: “Bình an cho các con!” Rồi Ngài bảo Thô-ma: “Hãy đặt ngón tay con vào đây và xem bàn tay Ta. Hãy đưa bàn tay con ra và đặt vào sườn Ta. Đừng vô tín, nhưng hãy tin!” (c.26-27). Chúa Jêsus đã giải quyết nghi ngờ của Thô-ma một cách cụ thể. Chúa biết những sự tranh chiến trong lòng của Thô-ma, và thay vì đánh giá ông, Chúa mang đến cho ông một sự xác chứng rõ ràng – như cách Ngài hiện ra và đồng hành với hai môn đồ trên đường đến Em-ma-út.

Sau sự chết của Chúa Jêsus, hai môn đồ đang đi trên đường đầy thất vọng vì Chúa Jêsus không làm những điều mà họ mong đợi. Phúc Âm Lu-ca cho chúng ta biết họ đi và trò chuyện với nhau, chính Chúa Jêsus đến và bước đi cùng với họ, nhưng họ bị che khuất nên không nhận ra Ngài. Khi họ càng dành thời gian với Ngài, “Mắt họ mở ra và nhận biết Ngài, nhưng Ngài thoạt biến mất. Hai người nói với nhau: “Trong lúc đi đường, Ngài nói chuyện và giải nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta chẳng bùng cháy sao?” (Lu-ca 24:31-32).

Từ chán nản đến tấm lòng nóng cháy, đây là quyền năng của Chúa Jêsus. Việc dành thời gian ở trong sự hiện diện của Chúa là chìa khóa cho một tấm lòng nóng cháy cho Ngài. Không lâu sau họ công bố: “Ngài đã sống lại.”

Tấm lòng hai môn đồ trên đường đến Em-ma-út hôm ấy được nóng cháy sau khi gặp gỡ Chúa. Nhưng ở một nơi khác, tấm lòng của Phi-e-rơ lại đang tan vỡ với những tổn thương do ông tự gây ra và sự hối hận ngập tràn trong ông. Phi-e-rơ đã từng hứa với Chúa Jêsus rằng ông sẽ không bao giờ rời bỏ ngài, rằng ông sẵn sàng chết vì Ngài. Nhưng ông đã chối Chúa Jêsus ba lần. Và dù trong lòng tràn đầy mặc cảm, khi nghe nói về ngôi mộ trống, Phi-e-rơ đã quyết định chạy ngay đến. Thay vì đắm chìm trong nỗi buồn, ông quyết định tìm kiếm Chúa Jêsus một lần nữa. Thiên đàng chắc chắn ghi nhớ điều này. Và sau cùng khi Phi-e-rơ trở lại đánh cá, Chúa Jêsus đã sắp xếp một chuyến đánh cá kỳ diệu. Trong giây phút tuyệt vời này, Chúa Jêsus chuẩn bị thức ăn cho các môn đồ của Ngài, Ngài quan tâm đến nhu cầu thuộc thể của họ, và dành thời gian trò chuyện cá nhân đầy ý nghĩa với Phi-e-rơ để bảo đảm rằng ông được yêu thương, cũng như giao phó cho ông một sứ mạng thiêng liêng.

Không điều gì phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Chúa. Không phải sự tan nát tấm lòng của Ma-ri Ma-đơ-len. Không phải nỗi sợ của các môn đồ. Không phải nghi ngờ của Thô-ma. Không phải sự hoang mang thất vọng của hai môn đồ trên đường Em-ma-út. Không phải sự xấu hổ của Phi-e-rơ. Chúa Jêsus phục sinh đã đến với tất cả những con người này bằng tình yêu, bằng sự quan tâm, thấu hiểu và kết quả là tấm lòng của họ khi gặp Chúa phục sinh đã được nóng cháy, được bình an, được phục hồi trong mối quan hệ đầy yêu thương với chính Chúa, và sẵn sàng cho sứ mạng Ngài giao phó.

Cầu nguyện: Kính lạy Chúa yêu dấu của con. Con cảm ơn Chúa vì Đấng con đang tin cậy và hầu việc là Cứu Chúa đã sống lại và đắc thắng cõi chết cách vinh quang. Xin Chúa cất bỏ khỏi tấm lòng con bất cứ sự đau buồn, tuyệt vọng hay sợ hãi nào. Vì con biết nỗi buồn chỉ đến trọ ban đêm, nhưng buổi sáng Chúa sẽ ban cho con sự vui mừng. Con biết sợ hãi không có chỗ khi tương lai và cuộc sống của con ở trong tay Ngài. Con biết lo lắng, bất an không có chỗ khi con nhận biết quyền năng phục sinh của Ngài. Cứu Chúa yêu dấu ơi, xin đổ đầy trong con niềm vui, sự sống, sự bình an và hy vọng trong Ngài. Để qua đời sống con, mọi người sẽ biết đến Cứu Chúa phục sinh của con! Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jêsus Christ, Amen.

Quý thính giả thân mến, từng nhân vật trong câu chuyện Phục Sinh: Ma-ri Ma-đơ-len, các môn đồ, Thô-ma, hai môn đồ trên đường đến Em-ma-út, và Phi-e-rơ, tất cả đều trải qua sự thay đổi từ mất mát, sợ hãi, nghi ngờ, đến niềm vui, sự kinh nghiệm Chúa, và sự phục hồi. Vì thế, Phục Sinh không chỉ là một sự kiện lịch sử, mà còn là một sự biến đổi trong tâm linh mỗi người.

Lễ Phục Sinh không chỉ có nghĩa là một ngày lễ hội vui vẻ, mà còn là một lời tuyên bố rằng: chúng ta có thể tràn đầy vui mừng vì Chúa Jêsus Phục Sinh mang lại sự sống, sự tha thứ, và hy vọng cho mọi người. Và dù hoàn cảnh hiện tại ra sao, sự phục sinh của Chúa Jêsus có thể thay đổi mọi thứ, giống như Ngài đã thay đổi cuộc đời những người năm xưa đã gặp Ngài phục sinh.

Chẳng có niềm vui nào lớn hơn là việc chúng ta nhận biết Đấng chúng ta đang tin là Đấng sống và hằng sống muôn đời. Điều đó thật an ủi và khích lệ chúng ta để vững tin đến gần Ngài với bất cứ nỗi lòng hay gánh nặng nào. Vì thật không có nan đề nào là quá lớn với Chúa chúng ta. Hãy trao cho Ngài mọi u buồn, và tiếp nhận niềm vui sướng. Hãy trao cho Ngài mọi thất vọng, và tiếp nhận niềm hy vọng phước hạnh của Ngài. Hãy trao cho Chúa Jesus tấm lòng của bạn và cuộc đời bạn để Chúa sẽ đổ đầy, dẫn dắt và bao phủ bạn bằng sự sống quyền năng của Chúa phục sinh!

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.


Nguồn: https://oneway.vn/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here