Nếu bạn đã từng trải qua nỗi đau mất người thân, bạn sẽ hiểu đó là một cảm giác chẳng dễ dàng gì để vượt qua. Nhưng khác với những ai quan niệm “chết là hết”, Cơ Đốc nhân chúng ta có niềm hy vọng lớn nơi sự sống đời đời trong Cứu Chúa Jêsus. Vì thế, khi phải tạm chia xa người thân yêu trên đất này, chúng ta vẫn có thể tiếp bước mạnh mẽ với niềm hy vọng được sum họp cùng nhau với Chúa trên thiên đàng một ngày không xa.
Hôm nay, ngày 01/11/2022, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Daphne Delay qua chủ đề TRONG KÝ ỨC THÂN THƯƠNG.
“Thưa anh em, chúng tôi không muốn anh em không biết về những người đã ngủ, để anh em không đau buồn như người khác không có hi vọng. Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những người ngủ trong Đức Chúa Jêsus đến với Ngài” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-14)
Bà tôi mất khi được 91 tuổi. Tôi đã suy ngẫm về câu Kinh Thánh này vài ngày sau khi bà qua đời. Khi nói về sự ‘ngủ’, Kinh Thánh muốn đề cập đến những người đã qua đời về mặt thể xác. Còn từ “chết” hoặc “sự chết” trong Kinh Thánh thường nói về sự chết thuộc linh hoặc tình trạng bị chia cắt khỏi Đức Chúa Trời. Điều đó có nghĩa là một người có thể còn sống về mặt thể chất và thậm chí sống rất khỏe mạnh, nhưng đồng thời cũng có thể đã chết về mặt tâm linh – nghĩa là họ bị tách khỏi Chúa.
Sứ đồ Phao-lô không muốn chúng ta “không biết” hay thiếu hiểu biết. Phao-lô nói rằng ông không muốn chúng ta thiếu hiểu biết về những người đã ngủ, hoặc đã qua đời, như những người không có hy vọng.
Tôi vui mừng tạ ơn Chúa vì bà tôi là một tín đồ. Vài đêm trước khi bà qua đời, tôi hỏi bà rằng liệu bà có bao giờ nghĩ rằng lớn lên tôi sẽ trở thành một diễn giả không. Bà không thể nói chuyện, nhưng cả hai chúng tôi cười vui cùng nhau khi nghe ý tưởng đó. Bởi vì cuộc đời là thế, không quan trọng bạn bắt đầu từ đâu, mà quan trọng là bạn kết thúc như thế nào. Bà đã góa chồng suốt 37 năm, tương đương với độ tuổi của tôi. Ông qua đời hai tuần trước khi tôi ra đời. Bà vẫn kiên định và mạnh mẽ. Ngoài chồng, bà còn mất một con gái, hai con trai sơ sinh và một số anh chị em. Nhưng, như Phao-lô đã viết, chúng ta không cần phải “đau buồn như người khác không có hi vọng”. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta có hy vọng!
Vâng, thật khó chấp nhận nỗi đau chia cắt chúng ta khỏi những người thân yêu trên đất này; nhưng thực lòng tôi không thể tưởng tượng làm sao mình có thể chịu đựng được nỗi đau chia ly nếu không có Thánh Linh của Đức Chúa Trời Hằng Sống luôn ngự trong lòng những người tin cậy Ngài.
“Khi cầu nguyện cho anh em, chúng tôi luôn cảm tạ Đức Chúa Trời, Cha của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ… bởi niềm hi vọng đã dành sẵn cho anh em ở trên trời, điều mà trước kia anh em đã nghe trong lời chân lý, là Tin Lành đã đến với anh em” (Cô-lô-se 1:3,5)
Hy vọng tự nhiên khác với hy vọng thuộc linh. Với hy vọng tự nhiên, chúng ta có thể thất vọng. Nhưng với hy vọng thuộc linh, chúng ta có được sự tự tin. Và đó thực sự là ý nghĩa của từ “hy vọng”; một kỳ vọng đầy tự tin về những điều sắp xảy ra. Đây là lý do tại sao Thánh Kinh chép:
“Đức tin là sự xác quyết về những điều mình đang hi vọng, là bằng chứng của những điều mình chẳng xem thấy” (Hê-bơ-rơ 11:1)
Và theo gương Áp-ra-ham, tổ phụ đức tin của chúng ta, chúng ta phải tin vào niềm hy vọng thuộc linh, trái với hy vọng tự nhiên (Rô-ma 4:18).
Nhưng hãy nhớ rằng, niềm hy vọng thuộc linh không ngăn được nước mắt hay nỗi đau mất mát của chúng ta. Chúng ta chỉ được an ủi khi biết rằng những người thân yêu đã ngủ đang được ở với Chúa Jêsus, và chúng ta sẽ lại sum vầy với họ vào một ngày nào đó. Phao-lô tiếp tục nói trong Tê-sa-lô-ni-ca:
“…chúng ta hoặc thức hoặc ngủ đều được sống với Ngài. ” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:10)
Vì vậy, chúng ta không cần phải băn khoăn tự hỏi những người thân yêu của mình đang ở đâu – họ đang ở với Chúa Jêsus, Cứu Chúa chúng ta!
Có thể họ chỉ đi trước chúng ta một chốc thôi. Bởi vì bạn thấy đấy, có một lời hứa tuyệt vời khác trong Kinh Thánh:
“Thưa anh em yêu dấu, đừng quên rằng, trước mặt Chúa một ngày như nghìn năm, nghìn năm như một ngày” (2 Phi-e-rơ 3:8)
Tâm trí chúng ta khó mà cắt nghĩa được sự sống đời đời, nhưng chúng ta biết rằng thật khập khiễng khi đem giây, phút và giờ trong đời này để đo lường sự sống vĩnh cửu ấy. Thế nên, ngay cả khi tôi sống thêm 100 năm nữa, và Chúa Jêsus vẫn chưa trở lại, thì bà tôi cũng chỉ vừa mới ở với Chúa Jêsus được vài giờ trước khi tôi sum họp cùng bà!
Cầu nguyện: Chúa ơi, con cảm ơn Chúa vì niềm hy vọng thiêng liêng Ngài đã ban cho chúng con trong cuộc đời này. Để rồi cho dù có bao nhiêu mất mát và đớn đau, chúng con vẫn có thể mạnh mẽ bước tiếp khi hướng về một tương lai tươi đẹp, nơi chúng con được sống đời đời bên nhau trong tình yêu thương của Chúa Chúa Jêsus. Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jêsus Christ, Amen.
Quý thính giả thân mến, khi bạn nhớ thương những người thân yêu của mình, hãy giữ vững niềm hy vọng thiêng liêng. Và hơn thế nữa – hãy chia sẻ đức tin để những người khác cũng nhận được hy vọng, bởi vì tất cả chúng ta đều trông đợi “niềm hi vọng phước hạnh và sự xuất hiện vinh quang của Đức Chúa Trời vĩ đại, cũng là Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ”.
Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:
Email: chiase@oneway.vn
Inbox: m.me/www.oneway.vn
Hotline: 0896 164 199
Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.
Nguồn: https://oneway.vn/